Có hút thuốc, thường xuyên đau thắt ngực, đau lâm râm ở ngực có phải là triệu chứng bệnh huyết khối không

30 tuổi, có hút thuốc, thường xuyên đau thắc ngực, đau lâm râm ở ngực đó có phải là triệu chứng bệnh huyết khối không? Khám BV ĐH Y Dược cách đây 1 năm, chẩn đoán bình thường, huyết áp bình thường. Hỏi đề phòng và chữa bệnh này phải như thế nào?

Vì câu hỏi của anh Nam quá ngắn, nên BS tư vấn xin nêu thông tin tổng quát để anh tham khảo. Đau ngực là một triệu chứng thường gặp và làm cho người bệnh khó chịu phải đi khám. Có rất nhiều điểm xuất phát của triệu chứng này: từ thành ngực (bao gồm khung xương sườn, cơ, da), cột sống, cơ lưng, các dây thần kinh, phổi, màng phổi, tim, màng tim, động mạch chủ, thực quản, cơ hoành, hoặc đau từ các cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, tụy, túi mật đau lan lên ngực. Để tìm nguyên nhân đau ngực, BS điều trị phải hỏi kỹ bệnh sử, tính chất đau ngực của bệnh nhân, trực tiếp thăm khám rồi thực hiện những xét nghiệm cần thiết.

Chia sẻ băn khoăn của anh về việc đau ngực lâm râm có liên quan gì đến bệnh huyết khối không, xin giải thích là có, chẳng hạn trong một số bệnh lý như sau. Thường gặp nhất là đau ngực do xơ vữa động mạch làm tổn thương động mạch vành. Mảng xơ vữa động mạch hoặc là cục máu đông (tức là huyết khối) thành lập trên nền mảng xơ vữa ấy có thể gây hẹp, tắc không hoàn toàn, hoặc tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh mạch vành. Vùng cơ tim được tưới máu nuôi bởi động mạch vành ấy sẽ bị thiếu máu hoặc nặng hơn thì bị chết, bị hoại tử (nhồi máu cơ tim cấp). Chính sự thiếu máu nuôi cơ tim gây ra những cơn đau thắt ngực liên quan đến gắng sức, thường lâm râm, thoáng qua hoặc đau ngực dữ dội trong nhồi máu cơ tim cấp. Những người dễ bị xơ vữa động mạch gồm nam trên 45 tuổi, nữ đã mãn kinh, hút thuốc lá, người béo phì, ít vận động thể lực, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu không được điều trị đúng cách, người có thân nhân trực hệ như cha mẹ, anh em ruộc chết vì nhồi máu cơ tim… Điều trị và phòng ngừa huyết khối và biến chứng của huyết khối phải kết hợp nhiều phương pháp sau: điều trị tích cực tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu. Phải kiên quyết bỏ hẳn thuốc lá nếu có hút. Tích cực giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì bằng cách ăn kiêng và tăng cường vận động thể lực. Thực hiện lối sống lành mạnh bao gồm vận động thể lực đều đặn bằng những môn phù hợp (đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội ít nhất 30 phút mỗi ngày), ăn ít muối, ít chất béo và nhiều rau quả. Tùy trường hợp, phải dùng dài hạn một số loại thuốc nhóm statin để điều trị tăng cholesterol máu và thuốc kháng tiểu cầu gồm aspirin hoặc clopidogrel (biệt dược Plavix) để ngăn chận sự thành lập huyết khối xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý dùng các thuốc này mà phải có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của BS.

Một bệnh lý huyết khối khác cũng có triệu chứng đau ngực là thuyên tắc phổi. Đây là bệnh lý huyết khối tĩnh mạch thường xảy ra ở người bị suy van tĩnh mạch mạn tính, phải ngồi lâu nơi chật hẹp (trên xe hơi, máy bay), mới phẫu thuật, gãy xương, phụ nữ có thai hoặc dùng thuốc ngừa thai, ung thư… Huyết khối tĩnh mạch vỡ ra, trôi theo dòng máu trở về tim rồi đi vào tuần hoàn phổi, gây tắc một hoặc nhiều nhánh động mạch phổi, thường làm cho bệnh nhân đau ngực dữ dội kèm ho ra máu. Đây không phải kiểu đau lâm râm mà anh Nam mô tả.

Anh Nam đã khám ở BV ĐH Y Dược, ngoài yếu tố hút thuốc lá, không thấy đề cập đến các yếu tố nguy cơ khác gây đau ngực do bệnh lý huyết khối xơ vữa gây bệnh mạch vành. Tôi nghĩ, anh có thể an tâm với chẩn đoán ấy. Tuy nhiên, chắc anh cũng đồng ý rằng ngưng hút thuốc lá là điều nên làm để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chúc anh luôn vui khỏe.

0 Response to "Có hút thuốc, thường xuyên đau thắt ngực, đau lâm râm ở ngực có phải là triệu chứng bệnh huyết khối không"

Đăng nhận xét