Bệnh gout và vấn đề ăn uống

Đón năm mới chắc chắn sẽ có tiệc, có nhiều rượu, có nhiều thức ăn ngon, có những cuộc vui, có những cố gắng, vất vả lo toan... và chắc chắn cũng sẽ có ai đó không may phải chịu đựng sự đau đớn của cơn viêm khớp gout cấp. Trong khi đó, bệnh gout liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống. Ăn uống điều độ có thể làm giảm bệnh, có thể ngăn ngừa bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu.

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh Gout

Mặc dù nguyên nhân của rối loạn purine, gây bệnh Gout , hiện chưa rõ, nhiều khả năng là do những rối loạn tại gen, nhưng bệnh Gout đã được coi là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purine ở người, làm tăng tổng hợp acid uric và/hoặc giảm thải acid uric ra ngoài, gây tăng acid uric trong máu, gây thêm một hoặc nhiều biểu hiện sau:

- Viêm một khớp cấp (thường ở ngón chân cái) được gọi là cơn Gout cấp.

- Có các khoảng hoàn toàn khỏi giữa các đợt viêm khớp cấp.

- Xuất hiện các tophy (u cục) ở khớp, quanh khớp, ở vành tai.

- Có sỏi thận (sỏi urate), suy thận mãn.

Ở giai đoạn đầu, bệnh Gout có những đặc điểm lâm sàng khá đặc trưng, đa số dễ nhận biết nếu được chú ý từ đầu:

- Thường gặp ở nam giới (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp.

- Thường bắt đầu vào cuối những năm 30 và đầu những năm 40 của cuộc đời, tuổi bắt đầu làm nên của những người đàn ông thành đạt.

- Khởi bệnh đột ngột bằng một cơn viêm khớp cấp với tính chất: sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội, đột ngột ở một khớp làm người bệnh rất đau đớn, không thể đi lại được. Hiện tượng viêm thường không đối xứng và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày. Trong giai đoạn cấp có thể kèm các dấu hiệu toàn thân như: sốt cao, lạnh run, đôi khi có dấu màng não (cổ cứng, nôn ói...).

- Bệnh diễn biến từng đợt, giữa các cơn viêm cấp có những giai đoạn các khớp hoàn toàn hết đau, người bệnh tưởng mình khỏi bệnh.

- Ở giai đoạn muộn, biểu hiện viêm ở nhiều khớp cả tay và chân, có thể đối xứng, xuất hiện những u cục ở nhiều nơi đặc biệt quanh các khớp, bệnh diễn biến liên miên không rõ từng đợt, giữa các đợt viêm cấp các khớp vẫn đau nhức, dần dâ gây biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ... hoàn toàn khỏi (những năm đầu).

Các yếu tố nguy cơ của bệnh gout

Tăng acid uric máu

Nếu chỉ có tăng acid uric máu đơn thuần, không phải là bệnh Gout, đây chỉ là một tình trạng rối loạn chuyển hóa purine, làm tăng acid uric trong máu (trên 7mg% hay trên 420mmol/L) nhưng chưa gây bệnh. Tăng acid uric máu đơn thuần có tỷ lệ khá cao: từ 4- 14% dân số (tùy từng dân tộc, từng quốc gia). Tình trạng này có thể xuất hiện rất sớm, ngay lúc dậy thì. Đa số trường hợp, tình trạng này hoàn toàn không gây triệu chứng gì, thường chỉ được tình cờ phát hiện khi làm xét nghiệm.

Tăng acid uric máu được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh Gout. Lượng acid uric máu càng cao, càng nhiều khả năng trở thành bệnh Gout.

Khoảng 5-10 % số người có tăng acid uric máu sẽ trở thành bệnh nhân Gout vào cuối thập niên thứ 3 trở đi (> 35 tuổi).

Ăn nhiều thức ăn chứa purine

Trên nhóm người có tăng acid uric máu, việc ăn nhiều thức ăn giàu purine sẽ làm tăng thêm tình trạng tăng acid uric máu sẵn có, thúc đẩy họ trở thành bệnh nhân Gout, làm nhanh tái phát các cơn Gout, khó kiểm soát bệnh và sớm trở thành Gout mạn.

Uống nhiều rượu

Việc uống nhiều rượu, rượu mạnh sẽ không những góp phần làm tăng thêm acid uric máu mà còn làm cho acid uric dễ dàng bị lắng đọng tại tổ chức, gây cơn Gout cấp, gây sỏi thận... Uống nhiều rượu còn ảnh hưởng tới gan, thận, dạ dày... tới các bệnh lý đi kèm như: tim mạch, huyết áp, rối loạn lipid máu.

Béo phì, cao huyết áp, rối loạn lipid máu

Các yếu tố này vừa là các yếu tố nguy cơ, vừa là các bệnh lý thường đi kèm với bệnh Gout. Nếu không được kiểm soát tốt, các yếu tố này gây ảnh hưởng xấu tới bệnh và ngược lại nếu các yếu tố này được điều chỉnh tốt sẽ góp phần làm bệnh Gout dễ điều trị hơn.

Tại sao bệnh gout lại gia tăng

Trong vài thập niên gần đây, số lượng bệnh nhân Gout gia tăng rất nhanh trên toàn thế giới. Cùng với sự thay đổi về kinh tế - xã hội, mô hình bệnh tật của nước ta đã có những thay đổi sâu sắc. Cũng như nhiều bệnh lý chuyển hóa khác (đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì...) bệnh Gout đã trở nên rất thường gặp trong thực tế lâm sàng. Mới đây, tại Hội nghị Thấp khớp học châu Âu ở Paris tháng 6/2008, tác giả Roddy. E và cộng sự đã nêu ra những nguyên nhân chính làm bệnh Gout gia tăng trên toàn thế giới, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi đáng kể về lối sống và các điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay:

- Tăng tiêu thụ bia và rượu trong cộng đồng.

- Tăng sử dụng thiazide và liều nhỏ aspirin cho các bệnh lý tim mạch.

- Tăng sử dụng các thức ăn giàu purine.

- Gia tăng các bệnh lý chuyển hóa (đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp...) và béo phì.

- Gia tăng tuổi thọ, tăng tỷ lệ người trên 65 tuổi trong cộng đồng (người ta nhận thấy, có mối liên quan giữa sự lắng đọng các tinh thể urate và sụn khớp bị thoái hóa, vì vậy nguy cơ bị bệnh sẽ gia tăng theo tuổi).

- Gia tăng và kéo dài thời gian sống của các bệnh nhân suy thận mãn.

Chế độ ăn uống của người tăng acid uric máu và bệnh gout

Không dùng

Không uống nhiều rượu mạnh. Không ăn các thức ăn chứa nhiều purine như: phủ tạng động vật: tim, gan, thận, lá lách, óc..., hột vịt, gà lộn, trứng cá, cá trích, cá đối, cá mòi. Không ăn mỡ động vật, không ăn đường.

Dùng hạn chế

Hạn chế protid (

Không ăn nhiều (vừa phải, điều độ) đồ biển (tôm, cua...).

Không ăn nhiều (vừa phải, điều độ) các loại đậu hạt, măng tây.

Không ăn nhiều (vừa phải, điều độ) chocolate, cacao, trà, cà phê.

Dùng nhiều

Các loại rau xanh, trái cây tươi.

Uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate, nước sắc lá xakê.

Các loại ngũ cốc.

Sữa, trứng.

Chế độ sinh hoạt

Chống béo phì.

Tăng cường vận động.

Tránh stress, tránh gắng sức, tránh lạnh đột ngột...

Chế độ ăn uống có thay thế được thuốc không?

Đối với bệnh Gout

Trong đa số trường hợp, chế độ ăn uống góp phần điều trị cho bệnh Gout và các bệnh kèm theo (cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu...) chứ không thể thay được thuốc. Thực hiện tốt chế độ ăn uống có thể giảm bớt số lượng thuốc, số loại thuốc cần dùng, giảm bớt các hậu quả xấu của bệnh.

Chế độ ăn uống được sử dụng để thay thế thuốc trong một số ít trường hợp, người bệnh không dùng được các thuốc làm hạ acid uric (dị ứng thuốc, suy thận, suy gan...).

Đối với tình trạng tăng acid uric máu

Chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt sẽ giúp phòng ngừa bệnh Gout, làm giảm số người trở thành bệnh nhân Gout.

Như vậy, chế độ ăn uống không thể thay thế được các thuốc điều trị bệnh Gout, nhưng có một vai trò quan trọng trong điều trị, góp phần làm bệnh Gout và các bệnh kèm theo dễ kiểm soát hơn, giảm bớt liều thuốc phải dùng, giảm bớt số thuốc phải dùng. Chế độ ăn uống càng quan trọng hơn khi người bệnh bị dị ứng với các thuốc làm giảm acid uric máu, hoặc vì một lý do nào đó không sử dụng được các thuốc này. Chế độ ăn uống còn là biện pháp chính, không thể thiếu được trong việc phòng ngừa bệnh Gout cho các đối tượng có tăng acid uric máu đơn thuần.

Các bệnh rối loạn chuyển hóa ở người thường đi kèm với nhau, ngày càng gia tăng và đang là một hiểm họa lớn cho loài người trong thế kỷ 21. Hội chứng chuyển hóa kinh điển gồm 4 biểu hiện: béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Nay thêm một biển hiện thứ 5 là tăng acid uric máu, nói cách khách, các bệnh nhân béo phì, cao huyết áp, bệnh mạch vành... rất dễ bị gout và ngược lại, bệnh nhân gout thường mắc bệnh các bệnh béo phì, xơ mỡ động mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành.

Nguồn: Sức khoẻ và đời sống

0 Response to "Bệnh gout và vấn đề ăn uống"

Đăng nhận xét