Béo phì
Thừa cân và béo phì đang thật sự trở thành một vấn đề dinh dưỡng đáng báo động, vì nó là khởi đầu của nhiều vấn đề sức khỏe và tinh thần. Nên có biện pháp phòng ngừa hiệu quả bằng một chế độ dinh dưỡng phù hợp và nếp sống năng động hàng ngày, chú trọng đến các vận động thể lực để bảo vệ sức khỏe.
- Tránh béo phì, không khó!
- Béo bụng ở phụ nữ
Điều trị béo phì cần sự phối hợp của nhiều biện pháp khác nhau nhưng nguyên tắc chung nhất cần phải đạt được trong điều trị là giảm được lượng năng lượng nhập vào cơ thể hàng ngày và gia tăng lượng năng lượng hao hụt qua hoạt động thể chất.
1. Khống chế béo phì như thế nào?
- Giảm tổng năng lượng đưa vào qua ăn uống.
+ Tổng năng lượng đưa vào tuỳ theo mức độ béo phì tính theo chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) bằng cân nặng cơ thể tính theo kg chia cho bình phương của chiều cao tính theo mét (BMI= W/H2)
+ Theo kinh nghiệm lâm sàng thì giảm năng lượng không nên quá đột ngột, không nên quá 800 kcal/ngày vì sẽ gây nhiều biến loại nghiêm trọng khác. Có chế độ ăn quá hạn chế calo dài ngày đã gây tử vong ở một số bệnh nhân. Cần giảm cân từ từ 4 – 6 kg/tháng.
+ Phải kiên trì giảm tổng năng lượng đưa vào kết hợp với tăng tiêu hao năng lượng bằng hoạt động thể lực.
+ Ít chất ngọt, ít chất béo kẻ cả dầu mỡ, bơ, nhiều rau quả ít ngọt.
+ Không nên dùng thuốc gây chán ăn vì có nhiều tác hại sinh lý khác.
+ Phải tạo thành thói quen ăn ít calo, luyện tập đều đặn hàng ngày, lao động tích cực.
- Chất khoáng: natri: 6 gam muối, mì chính/ngày. Nếu có tăng huyết áp thì chỉ cho 2- 4 gam/ngày.
- Vi lượng, vitamin: ăn nhiều rau quả, bớt ngọt. Cần bổ sung viên vitamin và vi lượng tổng hợp vì chế độ ăn này không cung cấp đủ.
- Nước: cần 1,5 - 2 lít/ ngày. Sử dụng nước rau, nước suối, chè sen vông, hoa hoè...
2. Điều trị béo phì như thế nào?
1. Nguyên tắc điều trị béo phì: rất đơn giản, chỉ cần giảm năng lượng ăn vào thông qua kiểm soát chế độ ăn và tăng năng lượng tiêu hao thông qua chế độ vận động thể lực phù hợp. Tất cả các phương pháp khác như dùng thuốc, tâm lý liệu pháp, thay đổi hành vi... đều mang tính hỗ trợ nhằm đạt 2 mục tiêu trên và duy trì chúng lâu dài nhất có thể.
2. Khi nào nên bắt đầu điều trị béo phì: Béo phì nên được chú ý theo dõi, phát hiện sớm và ngăn chặn ngay từ khi chỉ là nguy cơ chứ không chờ đến béo phì thật sự vì:
- Can thiệp ngay từ giai đoạn cân nặng thừa ít, chưa có sự gia tăng tế bào mỡ sẽ có kết quả tốt và duy trì lâu dài hơn.
- Bảo vệ các cơ quan: Khi đã có tổn thương thực thể trên các cơ quan (tuỵ, mạch máu, gan...) do mỡ thì giảm cân chỉ giúp các tổn thương này ngưng tiến triển chứ không phục hồi được các tổn thương.
- Phòng tránh được các bệnh lý di truyền có liên quan đến béo phì: Một số bệnh lý di truyền chỉ biểu hiện thành bệnh khi có điều kiện thuận lợi là thừa cân, béo phì. Ngăn chặn béo phì có thể làm giảm yếu tố thuận lợi thúc đẩy các bệnh lý này tiến triển.
3. Điều trị béo phì là bắt buộc: bắt buộc điều trị béo phì đối với những người mắc các bệnh lý mạn tính liên quan đến dinh dưỡng và lối sống như tim mạch, huyết áp, tiểu đường… vì giảm cân là một trong những biện pháp trị liệu có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả điều trị chung. Cần có chế độ ăn và tập luyện riêng phù hợp với tình trạng bệnh lý và thể trạng chung của bệnh nhân, được các chuyên viên theo dõi và điều chỉnh thường xuyên.
3. Cần lưu ý những điều gì khi thực hiện ăn kiêng?
- Phải ăn thực đơn quen thuộc của mình: Nếu cố gắng ăn theo một thực đơn cứng nhắc, hoàn toàn xa lạ với chế độ ăn hàng ngày thì bạn chỉ có thể áp dụng ăn kiêng trong một thời gian rất ngắn, và sau khi giảm cân, cân nặng sẽ tăng trở lại. Điều này rất nguy hiểm. Cần nhớ bạn sẽ cần ăn kiêng rất lâu, thậm chí là suốt đời nên phải chọn thực đơn mà bạn có thể chấp nhận lâu dài nhất.
- Ăn đủ protein quý, sinh tố và khoáng chất: Trong thực đơn phải đảm bảo đủ lượng thịt cá, rau, trái cây… Nên chọn thịt trắng nhiều hơn thịt đỏ.
- Ăn nhiều vào bữa sáng và giảm về chiều tối: nên ăn bữa cuối trong ngày trước khi đi ngủ ít nhất 3 giờ.
- Không được nhịn đói: Ăn nhiều bữa nhỏ với lượng ít thức ăn thì tốt hơn ăn ít bữa với số lượng thức ăn nhiều. Nên chọn ăn các loại thức ăn ít năng lượng thay vì nhịn đói.
- Giảm các loại thức ăn cung cấp nhiều năng lượng: Như thức ăn chiên, quay, xào, thịt mỡ, da, lòng, bột, đường, nước ngọt, các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, jambon, đậu phộng chiên, kem, các thức ăn khô …
- Tăng các thức ăn nghèo năng lượng để đảm bảo bữa ăn về mặt số lượng: ăn rau, trái cây không ngọt, dùng cá, đậu hũ thay các loại thịt, tăng khoai, củ thay các loại bột giàu năng lượng.
- Nên ăn tinh bột loại nguyên hạt (cơm, bắp) hoặc được chà thô (bánh mì đen) hơn là các loại tinh bột đã được chế biến (mì, bún, hũ tíu, các loại bánh …)
- Sữa là một loại thực phẩm rất tốt cho người cần giảm cân: Vì người thừa cân/béo phì vẫn cần các đạm quý và khoáng chất trong sữa để phát triển chiều cao (nếu là trẻ em) và để bảo vệ bộ xương (ở người lớn). Nên chọn dùng loại sữa không béo để giảm bớt năng lượng từ chất béo mà vẫn đảm bảo các thành phần dinh dưỡng quý khác.
-Không nhịn uống nước: Nước hoàn toàn không có năng lượng nên không thể làm tăng cân trong khi đang thực hiện chế độ ăn và vận động để giảm cân, ngược lại, cơ thể cần có nước làm môi trường thuận lợi cho các phản ứng phân huỷ chất mỡ dự trữ để tạo năng lượng. Nên thay đổi dần dần thói quen ăn uống hơn là thay đổi một cách đột ngột
4. Cần chú ý những gì khi tập vận động để giảm cân?
Chọn lựa cách vận động phải phù hợp với tình trạng sức khoẻ, nhu cầu, ý thích và các yếu tố khác như điều kiện kinh tế, thời gian làm việc... của từng người để đảm bảo chế độ vận động được thực hiện đúng theo yêu cầu và duy trì lâu dài.
- Trước khi bắt đầu tập luyện nên Khám sức khỏe tổng quát để xác định tình trạng sức khỏe của mình trước khi quyết định loại hình tập luyện phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng.
- Theo dõi cân nặng hàng tuần: Nên cân vào một giờ nhất định trong ngày vì trọng lượng cơ thể chênh lệch khoảng 1kg giữa buổi sáng và buổi tối.
- Tập từ ít đến nhiều, từ nhẹ đến nặng: Ví dụ ngày đầu chỉ chạy bộ 2 vòng sân. Khi đã quen thì tăng lên 3 vòng, rồi 4 vòng..., thời gian tạm nghỉ giữa các lần vận động ngày càng ít đi....
- Tập với cường độ tăng dần vào đầu buổi và giảm dần vào cuối buổi để các hệ cơ quan trong cơ thể quen dần với sự thay đổi cường độ hoạt động.
- Mỗi lần tập phải tiêu hao ít nhất 300kcalo: Nên tập đến khi thở nhanh, vã mồ hôi nhiều, tim đập nhanh.
- Mỗi tuần tập tối thiểu 3 - 4 lần: Tập dưới 3 lần mỗi tuần thường không mang lại hiệu quả tiêu bớt mỡ thừa, ngược lại chỉ có tác dụng kích thích tiêu hóa và giúp ăn uống ngon miệng hơn.
- Thời gian tập mỗi lần nên phù hợp với loại hình tập, cường đo tập và tình trạng sức khỏe: Các loại hình tập nhẹ nhàng thường phải tập với thời gian dài hơn và ngược lại.
- Không hạn chế uống nước khi tập: Hạn chế uống nước chỉ gây cảm giác giảm cân ảo do mất nước nhưng lại rất nguy hiểm cho cơ thể. - Ngoài tập luyện luôn nhớ hoạt động vận động trong sinh hoạt đời thường.
5. Có nên sử dụng thuốc giảm cân không?
Thuốc giảm cân chỉ nên dùng khi có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Thuốc giảm cân tốt cần phải:
- Cho hiệu quả giảm khối mỡ rõ ràng nhưng không gây loãng xương, mất nước, teo cơ.
- Không gây nghiện, không có tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương.
- Có thể sử dụng lâu dài hàng năm.
- An toàn cho những người béo phì có bệnh lý khác, không tương tác với các loại thuốc điều trị khác.
Cho đến nay, chỉ có hai loại thuốc dùng với mục đích giảm cân được Tổ chức Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo sử dụng lâu dài là Sibutramin và Orlistat (Xenical), trong đó Sibutramin có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương làm tăng cảm giác no, gây ăn ít đi, và Orlistat có tác dụng tại chỗ trong đường tiêu hoá làm mỡ trong thức ăn không được hấp thu và thải ra ngoài. Các loại thuốc khác như các loại gây no giả, những loại thuốc làm mất nước, thuốc gây tăng chuyển hóa của cơ thể… vẫn được khuyên là thận trọng khi kê toa và sử dụng.
6. Các phương pháp giảm cân khác:
- Tắm hơi, massage, quấn nóng… không có hiệu quả trong việc giảm cân vì không thực sự giảm được lượng mỡ thừa trong cơ thể
- Phẫu thuật thẩm mỹ, hút mỡ... có thể làm giảm được lượng mỡ thừa và đạt hiệu quả thẩm mỹ nhưng không giảm được lượng mỡ trong máu và trong các cơ quan như gan, mạch máu… nên không làm giảm nguy cơ sức khỏe và thường có khuynh hướng tái lập rất nhanh sau khi tiến hành thủ thuật.
0 Response to "Béo phì"
Đăng nhận xét