Sau cấp cứu nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần chú ý những gì? như thế nào là tuân thủ điều trị ?

BS CKII Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng khoa tim mạch - BV Nhân dân 115

Nhồi máu cơ tim gây ra nhiều biến chứng nặng nề và hay tái phát như: Tử vong, rối loạn nhịp nhịp tim, tụt huyết áp, khó thở cấp tính, thủng vách tim, vỡ tim, suy tim… Do vậy chúng ta cần được bác sĩ theo dõi đều đặn và thực hiện 10 điểm cần nhớ trong cuộc sống để cải thiện sức khỏe và trái tim của mình:

  1. Đừng hút thuốc lá hoặc giảm bớt và ngưng hút nếu đang hút thuốc lá.
  2. Hoạt động thể lực đều, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ
  3. Áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ, ít chất béo, tăng cường rau quả tươi và dinh dưỡng cân bằng với nhu cầu của cơ thể.
  4. Thử Cholesterol trong máu và đến bác sĩ sẽ được hướng dẫn điều trị
  5. Thử đường máu. Nếu cao cần được kiểm soát để đường máu về mức bình thường
  6. Giảm cân nếu quá cân
  7. Tập thể dục đều đặn
  8. Đo huyết áp đều đặn. Nếu cao, cần kiểm soát để trở về mức bình thường
  9. Ngủ đủ vào ban đêm.
  10. Tránh Stress trong cuộc sống.

Việc tuân thủ điều trị sau khi bị nhồi máu cơ tim là chúng ta chấp hành đầy đủ tất cả các biện pháp phòng ngừa sau cấp cứu nhồi máu cơ tim – để trở lại cuộc sống bình thường:

  • Sau vài tuần, bạn nên tham gia chương trình phục hồi chức năng sau nhồi máu cơ tim. Trong hoàn cảnh của nước ta chưa có trung tâm phục hồi chuyên nghiệp bạn nên đến bác sĩ của bạn để được hướng dẫn cách tập luyện.
  • Thường bạn sẽ phải dùng thuốc sau khi xuất viện. Các thuốc thường dùng là:
    • Aspirin (hoặc một lọai thuốc thay thế như Plavix – nếu bạn có chống chỉ định với Aspirin) để ngăn chặn hình thành cục máu đông và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.
    • Nếu không có chống chỉ định, bạn sẽ dùng một thuốc gọi là chẹn beta để làm giảm tử vong sau nhồi máu cơ tim.
    • Nếu bạn được can thiệp động mạch vành, bạn sẽ phải dùng thêm thuốc để ngừa tắc mạch tại nơi đặt stent. Thời gian dùng tùy thuộc vào stent bạn được đặt (thường là 6- 12 tháng, có khi dài hơn tùy từng bệnh nhân).
    • Thuốc nữa là ức chế men chuyển rất có ích cho những người có giảm chức năng bơm của tim sau nhồi máu, cũng như tác dụng giảm tái cấu trúc thất trái và nhồi máu cơ tim tái phát.
    • Ngoài ra, tùy theo tình trạng của bạn (có suy tim, có cục máu đông trong tim hay không…), bạn sẽ phải uống thêm một số thuốc khác.
  • Bác sĩ sẽ giữ mức HA cho bạn
  • Bạn luôn phải tự tin để sớm trở lại hoạt động bình thường.

Làm thế nào có thể sớm trở lại hoạt động bình thường?

Hầu hết bệnh nhân có thể trở lại công việc và hoạt động trong vòng vài tháng sau nhồi máu cơ tim. Một số bệnh nhân có thể có hạn chế hoạt động nếu cơ tim của họ bị yếu. Khả năng hoạt động bạn có thể làm được dựa trên tình trạng tim của bạn.

Bạn cần bắt đầu chế độ tập luyện từ từ. Sau tuần đầu nghỉ ngơi, cố gắng tập 5 phút/ lần – nhiều lần trong ngày. Thường là đi bộ chậm. Sau đó tăng dần cho tới khi trở lại hoạt động bình thường.

Một khi bạn đã trải qua giai đọan đầu sau nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ nói cho bạn biết làm thế nào hoạt động trong phạm vi của bạn. Thường bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm trắc nghiệm gắng sức. Trong trắc nghiệm này, bạn sẽ phải vận động (đi bộ trên thảm lăn hay xe đạp) trong khi bác sĩ sẽ theo dõi tim của bạn. Trên cơ sở này, bác sĩ sẽ xây dựng kế hoạch tập luyện cho bạn. Lọai vận động toàn thân như đi bộ, bơi, chạy chậm, chèo thuyền là tốt nhất cho bạn.

Tập thể dục thường 3-4 lần một tuần; mỗi lần 30 phút. Trước khi tập phải làm ấm cơ thể trước bằng các động tác khởi động.

Hầu hết bệnh nhân trở lại công việc sau 1-3 tháng bị nhồi máu cơ tim. Số thời gian làm việc tùy thuộc vào tình trạng tim của bạn và cường độ công việc bạn làm. Có thể bạn phải có thay đổi cách làm việc hay đổi nghề cho phù hợp với sức khỏe của bạn (nghề lao động nặng, lái xe tải, xẻ bus…, những nghề này bắt buộc phải làm phải kiểm tra trắc nghiệm gắng sức trước ). Một số người, vẫn có thể trở lại công việc cũ.

Bạn cũng có thể có hoạt động tình dục lại sau nhồi máu cơ tim. Thời gian thì không có quy định cụ thể, nhưng thường là sau 4 tuần. Bạn chỉ nên khi thực hiện khi làm được các động tác gắng sức (như leo 2 tầng lầu…) mà không mệt. Tốt nhất là sau khi thực hiện kiểm tra trắc nghiệm gắng sức, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên cụ thể hơn. Cũng như các hoạt động khác, bạn nên bắt đầu chậm.

Bạn cững đừng sợ hoạt động tình dục sau nhồi máu cơ tim. Cố gắng thử các tư thế khác nhau để tìm được tư thế thoải mái nhất. Nên để bạn đời nằm trên bạn để giảm tiêu thụ năng lượng khi bạn hoạt động. Nói với bác sĩ của bạn nếu có bất kỳ vấn đề gì.

Bạn không nên lái xe trong 1 tháng sau khi bị nhồi máu cơ tim. Nếu đi du lịch bằng máy bay thì nên thảo luận với bác sĩ của mình. Thường không nên bay trong vòng 3 tháng đầu (hiện một số Hãng hàng không từ chối chở bệnh nhân trong vòng 1-3 tháng sau nhồi máu cơ tim – tính từ thời điểm xuất viện).

0 Response to "Sau cấp cứu nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần chú ý những gì? như thế nào là tuân thủ điều trị ?"

Đăng nhận xét