Rối loạn lipid máu và sự liên quan đến bệnh huyết khối

BS CKII NguyễnThanh Hiền - Trưởng khoa tim mạch - BV Nhân dân 115

Một số điều cần biết về rối loạn lipid máu? Rối loại lipid máu có liên quan đến bệnh huyết khối như thế nào?

I. ĐỊNH NGHĨA:
* Tăng lipid máu (rối loạn mỡ trong máu) là chỉ chung các bệnh chuyển hóa có tăng cao lượng lipid hay chất béo trong máu, bao gồm cholesterol, triglycerid và lipoprotein. Trong đó tăng cholesterol là thường gặp và nguy hiểm nhất.
* Các lipid trong máu gồm acid béo, triglyceride, phospholipid, cholesterol tự do, cholesterol ester hoá, steroids…, trong đó thành phần chính là cholesterol và triglyceride. Các lipid được vận chuyển trong máu dưới dạng lipoprotein.
* Lipoprotein là sự kết hợp của các phân tử lipid và protein theo những tỷ lệ khác nhau. Nếu tỉ lệ protein càng thấp thì lipoprotein càng có hại cho sức khỏe.
* Các loại lipoprotein là:

  • Cholesterol tỷ trọng rất thấp (very low density lipoprotein) gọi tắt là VLDL-cholesterol.
  • Cholesterol tỷ trọng thấp (low density lipoprotein) gọi tắt là LDL-cholesterol.
  • Cholesterol tỷ trọng cao (high density lipoprotein) gọi tắt là HDL-chlesterol.

* Trong đó:

  • LDL-cholesterol được gọi là cholesterol "xấu" vì nó góp phần tham gia tạo thành mảng xơ vữa mạch máu.

  • HDL-cholesterol được gọi là cholesterol "tốt" vì nó giúp cơ thể vận chuyển cholesterol "xấu" đến gan để thải ra ngoài.

II. NỒNG ĐỘ CHOLESTEROL, TRIGLYCERID BÌNH THƯỜNG TRONG MÁU LÀ BAO NHIÊU
- Nồng độ cholesterol toàn phần trong máu lý tưởng là phải thấp hơn 200mg%. Bởi vì mức này liên quan với nguy cơ thấp của bệnh mạch vành. Nồng độ trong khoảng từ 200- 239 mg% được xem là mức giới hạn. Với nồng độ cao hơn 240mg% được xem là mức nguy cơ cao và cần phải điều trị.
- Phân tích sâu hơn thì LDL-cholesterol mới thực sự đóng vai trò quan trọng trên nguy cơ tim mạch. Thông thường nồng độ này cần đạt là thấp hơn 130mg%. Tuy nhiên, trong các trường hợp nguy cơ cao thì mục tiêu cần đạt là thấp hơn 100mg%. Nồng độ trong khoảng 130-159mg% được xem là mức giới hạn và mức cao hơn 160mg% được xem là cao.
- Trong khi đó, HDL-cholesterol trên 60mg% được xem là có tác dụng bảo vệ và liên quan với giảm tỷ lệ bệnh tim mạch.
- Trglicerid bình thường là < 150 mg/ dl.
- Bảng dưới đây tóm tắt giá trị các thành phần mỡ trong máu hay dùng trong lâm sàng :

Nồng độ

Mong muốn(mg%)

Giới hạn(mg%)

Nguy cơ cao(mg%)

Cholesterol toàn phần
LDL cholesterol
HDL cholesterol
Trglyceride

< 200
<130, <100 trong các ca chọn lọc
>60, 40-59 : trong giới hạn bình thường
<>

200-239
130-159
<40
150-199

>240
>160
<35
> 200
> 500 là rất cao.

III. NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN MỠ MÁU:

  • Do di truyền.
  • Suy tuyến giáp (bệnh nhược giáp).
  • Đái tháo đường.
  • Suy thận, hội chứng thận hư.
  • Do dùng một số thuốc (như các thuốc corticosteroid…).
  • Chế độ ăn giàu chất béo.
  • Tình trạng thừa cân.
  • Ít hoạt động thể lực.
  • Stress căng thẳng.
  • Uống nhiều rượu bia.

IV. TẠI SAO TĂNG CHOLESTEROL, TRIGLYCERID LẠI KHÔNG TỐT CHO CƠ THỂ
Cholesterol cần cho sức khỏe, nhưng quá nhiều cholestrerol lại là vấn đề nguy hiểm. Cholesterol mà chủ yếu là LDL-cholesterol thừa trong máu sẽ lắng đọng trong các thành động mạch của bạn, nó góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và tiến triển mảng xơ vữa mạch máu (hình 1).


- Dần dần theo thời gian các mảng xơ vữa này tiến triển gây hẹp hoặc tắc nghẽn lòng mạch máu nuôi các cơ quan như tim, não, và các cơ quan khác. Mảng xơ vữa này có thể ổn định hay không ổn định (mảng xơ vữa nguy hiểm dễ bị bong ra).
- Nếu mảng xơ vữa không ổn định này bị bong ra đột ngột, khi đó nó sẽ kích thích hình thành cục máu đông ngay tại chỗ và làm tắc nghẽn hoàn toàn hay một phần mạch máu ( hình 2).


- Nếu một động mạch cung cấp máu cho tim của bạn bị tắc nghẽn sẽ xuất hiện cơn ñau tim. Nếu động mạch cung cấp máu cho não bị tắc sẽ dẫn đến bị đột quỵ. Nếu động mạch cung cấp máu ở chi bị tổn thương thì bạn sẽ có triệu chứng đau khập khiễng cách hồi và nguy hiểm hơn là hoại thư chi.
- Tăng triglycerid thường kết hợp với một số bệnh và tình trạng như xơ gan, viêm tụy…. Nó cũng kết hợp với tăng nguy cơ các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành như giảm HDL và tăng LDL-cholesterol, mập phì…


V. RỐI LOẠN MỠ MÁU CÓ BIỂU HIỆN TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO:
- Tăng cholesterol thường không có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện qua tầm soát, khám sức khoẻ định kỳ. Đa số các bệnh nhân đến gặp bác sĩ thường là đã ở giai đoạn muộn. Các bệnh nhân này thường có các biểu hiện triệu chứng ở tim (cơn đau tim, nhồi máu cơ tim…), não (cơn thiếu máu não thoáng qua, đột quỵ), mạch máu ngoại biên (khập khiễng cách hồi, hoại thư ở chân).

VI. KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ VÀ LÀM XÉT NGHIỆM

· Kiểm tra cholesterol đặc biệt quan trọng cho nam trên 35 tuổi và nữ trên 45 tuổi.
* Theo hướng dẫn của Chương trình Giáo dục Quốc tế về cholesterol đề nghị các đối tượng trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol máu ít nhất 1 lần mỗi 5 năm. Đối với nam trên 45 tuổi và nữ trên 45 tuổi nên kiểm tra mỗi 1-2 năm. Tuy nhiên khoảng thời gian này còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố như: bạn thuộc nhóm nguy cơ nào, các bệnh kèm theo… Do đó cần phải tham vấn bác sỹ của bạn để có khoảng thời gian theo dõi thích hợp. Xét nghiệm nên thực hiện sau 9-12 giờ nhịn đói.

VII. ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN MỠ MÁU:
* Sau khi thăm khám, tuỳ thuộc vào các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch của bạn, tùy vào các bệnh kèm theo bác sỹ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp.
* Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Thay đổi lối sống (chế độ ăn, hoạt động thể lực, duy trì cân nặng lý tưởng, ngưng thuốc lá, uống bia rượu lượng vừa phải).
  • Giảm yếu tố nguy cơ: huyết áp, đái tháo đường…
  • Dùng thuốc:
    • Thuốc hay được dùng nhất để điều trị tăng cholesterol là thuốc thuộc nhóm statin (simvastatin - như là thuốc zocor; atorvastatin - lipitor, rosuvastatin - crestor).
    • Thuốc hay được dùng nhất để điều trị tăng trigycerid là thuốc thuộc nhóm fibrate (fenofibrate - lipanthyl).
    • Ngoài ra còn có một số thuốc khác dùng kết hợp với các thuốc trên để đạt được hiệu quả mong muốn.

VIII. UỐNG THUỐC NHƯ THẾ NÀO VÀ THEO DÕI RA SAO TRONG THỜI GIAN ĐIỀU TRỊ
* Bạn phải hiểu rằng đây là liệu pháp điều trị lâu dài. Do đó bạn phải uống thuốc đều thì mới mang lại hiệu quả. Thuốc uống mỗi ngày và thường uống 1 lần vào buổi chiều sau ăn hoặc trước khi ngủ vì cơ thể tạo ra nhiều cholesterol vào ban đêm.
* Bạn nên thảo luận với bác sỹ khi dùng chung với thuốc khác hoặc các thảo dược khác.
* Thuốc chỉ có hiệu quả sau nhiều tuần, hiệu quả cao nhất sau 4-6 tuần. Sau mỗi 6-8 tuần hoặc ít nhất 3 tháng bác sỹ sẽ kiểm tra lại mỡ máu.
* Cũng giống như các thuốc khác, thuốc này cũng có tác dụng phụ. Thường hiếm khi gặp, nhưng bạn cũng cần phải nắm để khỏi bối rối khi có các triệu chứng sau: khó chịu, đầy bụng, đau quặn bụng. Các tác dụng phụ này thường nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên trong thời gian uống thuốc bạn cũng cần phải lưu ý các dấu hiệu sau: tiểu nâu, đau cơ. Nếu có một trong hai dấu hiệu này, bạn cần phải đến gặp bác sỹ ngay. Ngoài ra bác sỹ cũng phải kiểm tra thường quy chức năng gan của bạn trong thời gian dùng thuốc.

0 Response to "Rối loạn lipid máu và sự liên quan đến bệnh huyết khối"

Đăng nhận xét