Phải làm gì khi nghi ngờ mình hay người thân Nhồi máu cơ tim

BS CKII Nguyễn Thanh Hiền – Trưởng khoa tim mạch bệnh viện Nhân dân 115, Uỷ viên ban chấp hành hội tim mạch học Tp.HCM

Đau ngực với triệu chứng như thế nào thì có thể nghi ngờ đó là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim ? Bạn cần làm gì đầu tiên (và ngay lập tức) khi mình (hoặc người thân trong gia đình) có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim?

Định nghĩa về cơn đau tim :

Cơn đau tim hay còn gọi là đau ngực do nhồi máu cơ tim xảy ra khi một phần cơ tim bị tổn thương hay chết vì không nhận đủ oxygen. Oxygen được vận chuyển tới tim qua hệ thống các động mạch vành. Hầu hết các trường hợp bị nhồi máu cơ tim là do bị tắc nghẽn những động mạch này.

Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở nhóm người có nguy cơ cao, bắt đầu từ độ tuổi 40 trở đi.

Triệu chứng của nhồi máu cơ :

* Hầu hết bệnh nhân cảm thấy đau ngực nặng hay đè ép ở ngực khi bị nhồi máu cơ tim. Cơn đau này có thể lan ra tay, cổ, lưng và cằm (hình 1). Đau kéo dài, thường từ 30 phút tới vài giờ.

Hình 1. Hướng lan trong cơn đau thắt ngực và NMCT

* Nghỉ ngơi không làm hết cơn đau hay không làm giảm cơn đau. Thay đổi tư thế cũng không làm hết hay thay đổi cơn đau.

* Một số bệnh nhân cảm thấy đầy bụng và nôn. Khi đó bệnh nhân thường hay vã mồ hôi, choáng váng và khó thở.

* Một số bệnh nhân không cảm thấy đau ngực khi bị nhồi máu cơ tim. Điều này đặc biệt hay gặp ở người bị đái tháo đường và người trên 75 tuổi.

Như vậy khi bạn (hoặc người thân trong gia đình) gặp các triệu chứng:

1- Cơn đau thắt ngực nặng có hướng lan như trên.

2- Cơn đau kéo dài hơn 15 phút.

3- Nghỉ ngơi không làm hết cơn đau; nếu dùng Nitroglycerin (một loại thuốc làm giãn mạch máu nuôi tim để điều trị cơn đau thắt ngực) có thể giảm bớt cơn đau…

Bạn nên nghi ngờ khả năng bị nhồi máu cơ tim.

Hãy gọi xe cấp cứu ngay để được đưa vào cấp cứu tại cơ sở Y tế gần nhất.

Bởi vì cơ tim không thể phục hồi nếu tình trạng thiếu máu kéo dài; và theo thống kê, 40% người bị cơn đau tim tử vong ở nhà do không được cấp cứu kịp thời.

Bạn phải làm gì nếu nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim :

Nếu bạn bắt đầu bước vào độ tuổi 40 (hoặc trong gia đình có người cao tuổi), nên chuẩn bị trước để khi cảm thấy có dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, bạn có thể chủ động xử lý 4 bước cần thiết:

1- Gọi điện cho ai?

2- Tạm thời làm gì?

3- Cơ sở Y tế nào bạn dự định tới và làm thế nào để tới đó?

4- Thông tin nào bạn cần nói cho bác sĩ cấp cứu chăm sóc ban đầu của bạn?

Những bước xử lý này khá quan trọng, ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh cũng như khả năng phục hồi của bạn – vì vậy, sẽ không thừa nếu bạn hiểu rõ mình cần làm những gì khi nghi ngờ có dấu hiệi bị nhồi máu cơ tim:

Một là

Nói ngay với ai đó bạn cảm thấy như thế nào và sự nghi ngờ khả năng bạn có thể bị nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp bạn ở một mình, hãy quyết định ngay mình sẽ gọi cho ai (bạn đã có sẵn số điện thoại của họ). Những người này có thể là người thân, hàng xóm hay bác sĩ của bạn.

Lý tưởng nhất là chia sẻ tình hình sức khoẻ của mình với bạn bè, người thân, hàng xóm hay bác sĩ – điều này có thể sẽ giúp bạn nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

Hai là

Hãy nằm nghỉ, hãy cởi hết quần áo chật và ngồi hay nằm ở vị trí thoải mái. Mở cửa sổ phòng cho thoáng.

Nếu bạn có sẵn đơn thuốc, hãy thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chưa, hãy dùng Nitrat (nitroglycerin hoặc isosorbide dinitrate) dạng ngậm hay xịt dưới lưỡi – hãy gọi cấp cứu ngay nếu cơn đau kéo dài hơn 15 phút và không hết sau 3 liều nitrate.

Nhai hay uống một viên aspirine 325mg (nếu không có chống chỉ định), hoặc dùng Plavix nếu bạn có chống chỉ định với aspirine hoặc có bệnh viêm, loét dạ dày…

Ba là

Cần quyết định ngay sẽ làm thế nào để bạn nhận được sự trợ giúp Y tế: Bạn định tới phòng cấp cứu của bệnh viện nào?

Hầu hết bệnh viện hiện nay có đủ khả năng cấp cứu và ổn định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Vì thời gian là điều cốt lõi, nên hãy đến bệnh viện gần nhất. Nên gọi điện thoại số 115 để gọi xe cấp cứu hoặc nhờ ai đó đưa bạn tới bệnh viện. Hoặc gọi số điện thoại của các bệnh viện có khả năng xử trí can thiệp mạch vành cấp cứu (như Bệnh viện Chợ rẫy, Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện 115…

Bốn là

Cần chú ý những thông tin bạn sẽ nói khi đã tới bệnh viện.

Hãy nhớ nói với bác sĩ ở phòng cấp cứu:

- Bạn cảm thấy đau như thế nào?

- Cơn đau xảy ra khi nào, trong bối cảnh nào?

- Cơn đau hiện tại có thay đổi so với lúc mới xảy ra hay không?

- Bạn đã dùng thuốc gì?

Bạn cũng cần phải nói ngay với đội cấp cứu nếu có các vấn đề:

- Bạn đã từng bị nhồi máu cơ tim trước đây hoặc

- Bạn đã từng có cơn đau thắt ngực trước đây và

- Bạn đang thường dùng thuốc gì

0 Response to "Phải làm gì khi nghi ngờ mình hay người thân Nhồi máu cơ tim"

Đăng nhận xét