Làm thế nào để phòng ngừa suy tim khi được chẩn đoán là có bệnh tim và đã suy tim rồi

Trường hợp bác sĩ, sau khi khám bệnh, kết luận theo cách thứ hai, tức là: “có bệnh tim mạch nhưng chưa suy tim” ta cần làm thế nào để ngăn chặn được suy tim?

Nên nhớ rằng có bệnh tim mạch không nhất thiết là tim bị suy. Nếu biết giữ gìn, nhiều người bị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hẹp hai lá thời gian dài, mà vẫn không bị suy tim.

Cách ngăn chặn cho khỏi bị suy tim, đối với người đã được chẩn đoán là có bệnh tim mạch, gồm:

(1). Xem lại và chọn theo đúng những lời khuyên đã nói ở chương 6 để phòng bệnh tim mạch.

(2). Hỏi ý kiến và bàn bạc với bác sĩ chuyên khoa tim, xem có cách nào chữa triệt để bệnh tim mạch mà mình có. Trước tiên, hỏi xem có thể và có nên phẫu thuật không?

Phẫu thuật tim mạch đang có những bước tiến thần kỳ, có những bệnh tim tháng trước không mổ được, thì nay lại mổ tốt. Càng ngày người ta càng mổ được những bệnh nhân già hơn, yếu hơn, bệnh nhân nặng hơn. Cho nên phải hỏi những “thầy” luôn cập nhật với tiến bộ của y học, mới biết được hiện nay mổ được những gì.

Hình 7.1. Sơ đồ thủ thuật nong động mạch vành.

1. Mảng vữa xơ làm hẹp động mạch vành; 2. Dụng cụ nong, bóng xẹp hơi; 3. Bóng đầy hơi; 4. Sau khi nong xong, rút bóng ra.

Đặc biệt gần đây, nới phát triển môn “tim mạch học can thiệp”, nghĩa là chữa bệnh tim bằng cách không phải phẫu thuật mà chỉ “can thiệp” trực tiếp vào hệ tim mạch. Thí dụ, khi động mạch vành bị vữa xơ làm hẹp lại, gây đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim, người ta có thể cho một quả bóng vào động mạch vành chỗ hẹp, nhờ đó “nong” cho rộng ra, giúp cơ tim lại được tưới máu đủ và nhận đủ oxy (Hình 5.12B).

Người ta có thể “can thiệp” bịt các lỗ thông gây hại, cắt những bó dẫn truyền gây loạn nhịp, v.v..

Hình 7.2. Lấy tĩnh mạch hiển ở chân, làm cầu nối từ động mạch chủ đến động mạch vành dưới chỗ hẹp (tắc).

Viện Tim mạch học Việt Nam đã có thể thực hiện được các can thiệp trên. Cho đến tháng 1-2000, đã có trên 100 bệnh nhân, được nong động mạch vành.

Các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh, các co thắt màng ngoài tim mổ được đã là giỏi rồi, nay các phẫu thuật viên còn mổ cả các mạch máu bị tắc, bị vỡ nữa. Van hẹp thì nong rộng ra, van hở thì khâu chít bớt lại, van hỏng nhiều thì thay van nhân tạo, ống động mạch thừa thì cắt đi, màng ngoài tim bó chặt lấy tim thì bóc bớt đi, lỗ thông bệnh lý thì bít lại, mạch máu bị chít bớt đi, lỗ thông bệnh lý thì bít lại, mạch máu bị chít thì nong rộng ra (Hình 7.1), mạch máu hỏng thì cắt bỏ đi thay đoạn khác vào (Hình 7.2). Nhiều điều kỳ diệu đang được con người thực hiện trước mắt chúng ta.

(3). Trường hợp bác sĩ chuyên khoa cân nhắc thấy bệnh tim của bạn không nên mổ (không có chỉ định mổ), bạn cần hỏi tỉ mỉ về cách dùng thuốc và cách sinh hoạt thế nào để tim khỏi bị suy.

Việc dùng thuốc phải hết sức thận trọng đối với người mắc bệnh tim, dù tim đã suy hay chưa. Cho nên không nên nghe người này người khác mà dùng thuốc bừa bãi, nhất là những thuốc từ nước ngoài gửi về “cho gia đình”, nói là thuốc chữa bệnh tim. Ngay cả các thuốc chữa bệnh khác như các kháng sinh, thuốc ho, thuốc hen, v.v... cũng cần hỏi bác sĩ trước khi dùng.

(4). Về hoạt động, nên tránh công việc đòi hỏi nhiều sức lực như gồng gánh, mang vác nặng, cuốc đất, lên gác cao... Những việc quá nặng như vậy, bắt tim phải làm việc quá tải. Tim đã bị bệnh do đó sẽ chóng bị suy hơn. Vì vậy, có khi người mắc bệnh tim phải đổi nghề, mặc dù tim chưa suy. Nếu cần lam, nên làm thong thả, và khi thấy mệt nên ngừng ngay.

Tuy nhiên nghỉ nhiều quá cũng có hại cho tim, nhất là nằm nhiều không nên. Phải có đi lại, làm việc nhẹ nhàng trong nhà hoặc ở cơ quan, tập thể dục nhẹ, giải trí điều độ. Như vây có lợi cho cả tim mạch và cho tinh thần.

Xin nhắc những phụ nữ có bệnh tim: dù tim chưa suy, cũng chỉ nên đẻ một lần, vì mỗi khi có thai hoặc đẻ, tim phải làm việc nhiều hơn và dễ bị suy hơn. Nên đẻ ở bệnh viện, có mặt bác sĩ theo dõi để xử trí nhanh chóng nếu có sự cố.

Làm việc trí óc, trái lại, không có hại cho tim và người bị bệnh tim có thể lao động trí óc được. Chỉ nên làm điều độ, có giờ giấc, xem kẽ với nghỉ ngơi hợp lý. Điều quan trọng là phải tránh căng thẳng (xem chương 6).

Còn một điểm hơi tế nhị, nhưng cũng cần nói, là hoạt động tình dục. Hoạt động tình dục thật ra chỉ tốn ít năng lượng và không làm tim quá tải đáng kể, cho nên “sinh hoạt” vợ chồng không cần “kiêng”. Tất nhiên phải có điều độ, tránh quá sức.

Trong sinh hoạt cũng như trong công việc, nên giữ bình tĩnh lạc quan. Mọi xúc cảm mạnh, như cáu giận, buồn vui, vui quá đều làm tim đập nhanh nghĩa là làm tim mệt.

Một quan niệm sai lầm nên sửa lại lại: đánh máy không làm tim mệt, nếu đau ngực là tại ngồi lâu bất động thôi.

(5). Về ăn uống, ngoài những điều đã nói ở chương 6, cần nhấn mạnh thêm: a) Hạn chế ăn muối cần kỹ hơn. Bình thường ăn nửa muối, tức là 4 gam muối mỗi ngày, là được. Những nếu chớm thấy có hiện tượng giữ nước như mặt phù buổi sáng, phù mắt cá chân buổi chiều hoặc khi phải đứng lâu, bụng hơi to ra, cân lên quá nhanh, người thấy nặng nề... thì phải hạn chế hơn nữa, chỉ được 2-3 gam muối mỗi ngày.

Đối với phụ nữ, những ngày sắp có kinh nguyệt hay bị ứ nước, gây phù, khó thở, hết kỳ kinh lại trở lại bình thường. Những ngày ứ nước như vậy nên ăn nhạt hơn nữa.

b) Nước uống cũng không được nhiều quá, nên dưới 1,5 lít một ngày, vì uống nước nhiều sẽ tăng gánh nặng cho tim, tim đã có bệnh lại bị quá tải, sẽ chóng bị suy hơn. Đặc biệt nước nên uống từng lượng nhỏ, uống một hợi liền 1-2 cốc có thể suy tim đột ngột. Không nên theo một số người khuyên uống liền 1-2 lít nước buổi sáng, rất nguy hiểm!

Trường hợp ra nhiều mồ hôi, hoặc ỉa chảy mất nước, có thể uống nhiều hơn, những cũng phải uống từng ngụm nhỏ.

Truyền dịch cũng cần cân nhắc, vì tăng gánh nặng cho tim.

c) Chú ý ăn những thức ăn có nhiều kali, như rau xanh, trái cây; nước luộc rau có thể dùng thay nước uống trong ngày. Cơ thể đủ khali, tim làm việc tốt hơn.

d) Ăn đúng mức, đừng để béo phì (xem chương 6). Cơ thể quá nặng, tim phục vụ khó khăn hơn. Người gày một chút, có thể tránh được suy tim. Tất nhiên cũng không nên gày quá (xem bảng 6.4). Những thức ăn có nhiều calo như đường, gạo, mỡ, các quả ngọt nhiều, v.v... đều phải hạn chế. Nên cân luôn, nếu lên cân quá, phải ăn rút đi nhưng vẫn phải đủ chất bổ theo nhu cầu của cơ thể.

e) Về rượu và thuốc lá, đã nói ở chương 6.

(6). Nhiều bệnh khi xảy ra ở người có bệnh tim mạch, có thể đẩy nhanh đến suy tim. Rõ nhất là các bệnh gây thiếu máu (chảy máu trĩ, rong kinh, chảy máu dạ dày...) rồi đến các bệnh tuyến giáp (cường giáp, còn gọi là bệnh bướu cổ lồi mắt, suy giáp...), các bệnh nhiễm trùng (thương hàn, bạch hầu, cúm...). Phải dự phòng những bệnh đó, và nếu có phải điều trị cho tốt.

7. Một số thuốc có thể gây suy tim ở những người có bệnh tim mạch nhưng chưa suy tim, khi dùng phải rất thận trọng, theo đơn và có sự theo dõi của thầy thuốc. Đó là một số thuốc chống tăng huyết áp như: chẹn calci (verapamil, diltiazen...), và nhiều thuốc chống loạn nhịp (quinidin, verapamil...), và nhất là những thuốc không biết rõ thì không nên dùng, dù là thuốc Tây hay thuốc Đông y.

Những thuốc làm tim đập nhanh qua cũng cần thận trọng khi dùng, như cafein, ephedrin...

8. Theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc về sinh hoạt và thuốc men. Các thuốc dùng trong bệnh tim, nhất là thuốc chữa suy tim, đều tương đối độc và khó dùng. Sai một ly đi một dặm, tuyệt đối không được nghe ai, kể cả bệnh nhân cũ "có kinh nghiệm", người nhà, đơn thuốc, cán bộ y tế, và cả các bác sĩ khác nữa.

Khi đã suy tim rồi, những cách giữ gìn nói trên càng cẩn thận hơn. Luôn giữ liên lạc với thầy thuốc để hỏi ý kiến về thuốc men, xử trí, mỗi khi có xuất hiện triệu chứng gì mới.

0 Response to "Làm thế nào để phòng ngừa suy tim khi được chẩn đoán là có bệnh tim và đã suy tim rồi"

Đăng nhận xét