Điều trị đột quỵ như thế nào để có kết quả tốt nhất ?

Ths BS Nguyễn Bá Thắng – Bộ môn Thần Kinh – Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh

Bệnh đột quỵ diễn tiến như thế nào, có thể chết không, có thể phục hồi không? Có thể điều trị được không?

- Phần lớn có thể hồi phục một phần hoặc hoàn toàn, nếu được chăm sóc điều trị thích hợp

- Thời gian để hồi phục: từ một vài ngày đến vài tháng.

- Trường hợp nặng có thể để lại di chứng tàn phế nặng nề, không thể sống độc lập được.

- Các trường hợp nặng nhất sẽ tử vong, hầu hết là trong tuần đầu tiên.

- Các trường hợp nặng là những người bị nhồi máu não hoặc xuất huyết não với kích thước quá lớn hoặc xảy ra ở các vị trí quan trọng.


Tắc mạch máu não Vỡ mạch máu não

Việc điều trị nếu đúng và kịp thời có tác dụng làm giảm được nguy cơ tử vong, giảm tàn phế và tăng cơ hội phục hồi cho bệnh nhân.

Bệnh viện sẽ giúp gì cho bệnh nhân?

- Khám và làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, tìm nguyên nhân gây bệnh

- Điều trị khẩn cấp, làm thông mạch máu nếu tình trạng cho phép và người bệnh đến sớm trước 3 giờ từ lúc mắc bệnh

- Chăm sóc, dinh dưỡng, điều trị các triệu chứng và phòng chống các biến chứng

- Tập vật lý trị liệu để phục hồi

- Hướng dẫn cách điều trị tiếp theo sau xuất viện và phòng chống tái phát

Bệnh nhân đột quỵ cần được làm xét nghiệm gì?

- Các xét nghiệm máu cơ bản để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

- Xét nghiệm mỡ trong máu

- Chụp X quang phổi

- Đo điện tim, siêu âm tim

- Siêu âm động mạch, chụp hình động mạch nuôi não tìm các mảng xơ gây tắc, hẹp động mạch

- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) não

- Chụp mạch máu não cho một số trường hợp đặc biệt

Có phương pháp nào đặc biệt để điều trị đột quỵ không?

- Dùng thuốc chích tĩnh mạch làm thông lại mạch máu tắc: dùng cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, đến bệnh viện sớm trong vòng 2 giờ kể từ lúc phát bệnh (để kịp dùng thuốc trong vòng 3 giờ), và phải được bác sĩ thần kinh khám chọn lọc.

- Dùng thuốc chích thẳng vào động mạch bị tắc để làm thông lại dòng máu: cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, tới bệnh viện trong vòng 6 giờ. Hiện chưa áp dụng rộng rãi ở nước ta.

- Mổ: chỉ áp dụng cho một số ít bệnh nhân như đột quỵ thiếu máu não diện rộng, xuất huyết tiểu não, hoặc một số ít trường hợp xuất huyết não khá nặng được chọn lọc.

Đa số các trường hợp còn lại sẽ được điều trị bằng thuốc vì phẫu thuật không có lợi mà đôi khi còn làm bệnh xấu hơn.

Phải làm gì để giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn?

- Vai trò của người nhà rất quan trọng trong việc giúp bệnh nhân hồi phục.

- Lúc mới bị bệnh: phối hợp với y bác sĩ để chăm sóc bệnh nhân, xoay trở đổi tư thế nằm của bệnh nhân để chống loét, làm vệ sinh răng miệng, cho ăn theo hướng dẫn tránh bị sặc, tránh ọc thức ăn, và xoa bóp, vận động các khớp tay chân cho bệnh nhân.

- Trong thời gian hồi phục, người nhà có vai trò chính yếu trong việc chăm sóc bệnh nhân, tập luyện để hồi phục sức cơ, và tập thích nghi với các sinh hoạt trong điều kiện yếu một nửa người. Luôn luôn khích lệ để bệnh nhân tích cực tập phục hồi chức năng.

0 Response to "Điều trị đột quỵ như thế nào để có kết quả tốt nhất ?"

Đăng nhận xét