Huyết áp 160/90, có mỡ máu... thì điều trị như thế nào

33 tuổi Không hút thuốc, không rượu bia, nhưng huyết áp lại lên cao bất thường, không hạ. Như vậy có liên quan đến bệnh tim mạch không, làm cách nào để hạ huyết áp? Cách đây khoảng 2 tháng, đi khám ở BV 175 BS chẩn đóan tăng huyết áp. Các thuốc điều trị uống trong gần 2 tháng: Natrilix1.5mg, Tanatlil 500mg, Normodipine 5mg, Vastarel 35mg, Asperine 81mg 150 – Hiện tại, huyết áp 160/90, có mỡ máu., đường huyết bình thường, vẫn đang dùng thuốc như trên

Qua câu hỏi, ông Đức cho biết số huyết áp “lên cao bất thường” nhưng không nêu trị số huyết áp cụ thể là bao nhiêu. Xin nêu một số ý kiến trao đổi cùng ông như sau:

Tăng huyết áp (THA) là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất. THA được định nghĩa là khi trị số huyết áp tâm thu bằng hoặc lớn hơn 140 mmHg hoặc trị số huyết áp tâm trương bằng hoặc lớn hơn 90 mmHg; hoặc cả hai. THA thường không có triệu chứng, chỉ được phát hiện nhờ đo huyết áp. Một số trường hợp khi cơn THA xảy ra nhanh (cấp tính) và trị số huyết áp tăng rất cao (> 160 – 180/100 mmHg) bệnh nhân có thể thấy nhức đầu vùng đỉnh và sau gáy, hoặc chóng mặt, xây xẩm. Nặng hơn nữa bệnh nhân có thể bị mờ mắt, buồn nôn và nôn, khó thở, đau ngực, co giật và rối loạn tri giác (bệnh não do THA, có thể xảy ra khi huyết áp tăng vọt > 210 - 220/120 mmHg). Những trường hợp này cần phải khẩn trương đưa bệnh nhân vào bệnh viện để được kiểm soát huyết áp nhanh chóng và nghiêm ngặt. THA lâu ngày hoc không được điu tr đúng rất nguy hiểm bởi các biến chứng của nó có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề do tổn thương đa cơ quan như tim mạch (nhồi máu cơ tim, suy tim xung huyết, phù phổi cấp…), não (đột quỵ do nhồi máu não hoặc xuất huyết não), thận (tiểu đạm, suy thận…), mắt (giảm thị lực, mù lòa) ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Về nguyên nhân, chỉ có khoảng 10% trường hợp là THA thứ phát, nghĩa là có nguyên nhân, nói cách khác, THA là triệu chứng, hậu quả của một bệnh lý khác. THA thứ phát bệnh nhân thường trẻ. Điều trị THA thứ phát tùy thuộc vào điều trị bệnh lý là nguyên nhân. Còn lại đến 90% các trường hợp THA là “vô căn”, tức là không tìm thấy nguyên nhân. THA vô căn thường phát triển từ tuổi trung niên trở đi. Có những yếu tố nguy cơ làm cho bệnh nhân dễ bị THA như: hút thuốc lá, thừa cân hoặc béo phì, ăn mặn, ăn nhiều chất béo động vật, căng thẳng thần kinh, uống nhiều bia rượu, tiền sử gia đình có người bị THA….

Để điều trị THA phải kết hợp 2 phương pháp không dùng thuốc và dùng thuốc. Phương pháp không dùng thuốc chính là thực hiện lối sống lành mạnh. Không hút thuốc lá. Tránh ăn quá mặn. Hạn chế uống rượu bia. Hạn chế ăn uống các chất béo, đặc biệt là mỡ động vật. Hạn chế thức ăn có đường, giàu năng lượng. Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Hằng ngày luyện tập thể dục thể thao, đi bộ 30-45 phút, hoặc các môn như bơi, yoga, dưỡng sinh, khí công… phù hợp để làm hạ huyết áp; ngược lại, tập tạ được xem là môn thể thao làm huyết áp tăng. Duy trì cân nặng hợp lý, không thừa cân (BMI 18,5 - 23). Thường xuyên kiểm tra huyết áp. Mọi người cần nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình. Thực tế, hầu hết bệnh nhân THA đều phải dùng thuốc để hạ huyết áp. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp khác nhau. Quyết định việc sử dụng thuốc hạ áp, chọn lựa thuốc và phối hợp loại thuốc nào, liều lượng, cách dùng phải do bác sĩ chuyên khoa xem xét tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, bác sĩ có thể cho các thuốc điều trị các bệnh lý thường đi cùng với THA như: đái tháo đường type 2, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng mỡ máu, cũng như các thuốc kháng kết tập tiểu cầu như aspirin hoặc clocardigel (biệt dược Plavix) để dự phòng đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Điều trị THA phải thường xuyên và lâu dài, hầu như suốt đời. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc hoặc đổi thuốc, bỏ thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Nhiều bệnh nhân bỏ thuốc giữa chừng vì chán nản, hoặc vì cảm thấy huyết áp tăng nhưng không thấy mình có triệu chứng gì khó chịu. Về sau xảy ra nhiều biến chứng đáng tiếc. Ông có thể đến các bệnh viện có phòng khám tim mạch (BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định...) hoặc các phòng khám chuyên khoa tim mạch để được khám và tư vấn chi tiết hơn.

Chúc ông an tâm điều trị và vui khỏe.

0 Response to "Huyết áp 160/90, có mỡ máu... thì điều trị như thế nào"

Đăng nhận xét