26 tuổi đã bị đột quỵ 1 lần thường bị đâu đầu, ra mồ hôi lạnh ... liệu có phải đã mắc bệnh huyết khối ?

26 tuổi, cách đây 1 năm bị đột quỵ. Có đi khám BS tại bệnh viện, khám tổng quát thì không có bệnh nhưng khi đi khám BS tư thì BS nói huyết áp thấp, máu không lưu thông được lên não. Thường xuyên bị đau đầu, ra mồ hôi lạnh, run rẩy tay chân, mệt mỏi, tê chân, hay ngủ li bì, khó thở. Với những triệu chứng như vậy thì có phải là bệnh huyết khối không? Cách điều trị như thế nào cho hết bệnh? Không dùng thuốc mà chỉ uống thuốc bổ, truyền nước biển.

Chị Huyền không cung cấp chi tiết về tình trạng “đột quỵ” trước đây như: có yếu liệt nửa người, méo miệng, nói đớ, bất tỉnh không, diễn tiến như thế nào, bao lâu thì hồi phục; cũng như không cho biết trị số huyết áp cụ thể. Xin tư vấn như sau:

Có thể chị Huyền thuộc nhóm người thường xuyên có huyết áp “thấp”. Huyết áp “bình thường” của mọi người không giống nhau, nhưng nhìn chung đều trong khoảng từ 90 / 60 đến 130 / 80 mmHg. Gọi là huyết áp thấp khi huyết áp dưới mức 90 / 60 mmHg. Người khỏe mạnh, nếu huyết áp thấp mà không có triệu chứng gì thì không cần điều trị. Nhưng cũng tùy trường hợp, có khi huyết áp đó với người này là bình thường nhưng lại thấp đối với người khác. Huyết áp thấp quá sẽ bất lợi vì tim không bơm đủ áp lực máu nuôi não và các cơ quan sinh tồn của cơ thể. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng như mệt, choáng váng, hoa mắt, ngất xỉu, mất tập trung, lú lẩn, buồn ngủ, buồn nôn, da ẩm nhờn, nhìn mờ, vã mồ hôi lạnh, thở nhanh, người yếu. Bệnh nhân có thể bị chấn thương do té ngã khi ngất xỉu. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp. Qua mô tả trường hợp chị Huyền, có lẽ do tụt huyết áp tư thế hoặc là tụt huyết áp qua trung gian thần kinh.

Tụt huyết áp do tư thế xảy ra khi thay đổi tư thế đột ngột từ nằm hoặc ngồi sang đứng, thường kéo dài vài giây đến vài phút. Trường hợp này thường liên quan đến dùng thuốc. Nên uống nhiều nước. Tránh uống rượu. Mang vớ thun ép tĩnh mạch chân. Đang nằm hoặc ngồi, muốn đứng lên phải thay đổi tư thế từ từ, từng bước. Nên báo cho BS biết các loại thuốc chị đang dùng như thuốc chống lo âu, lợi tiểu, giảm đau, chống trầm cảm, các thuốc tim mạch…nếu có. BS sẽ điều chỉnh liều thuốc hoặc đổi thuốc nếu nghi ngờ tụt huyết áp tư thế là do thuốc.

Trường hợp tụt huyết áp trung gian thần kinh bệnh nhân thường là người trẻ hoặc trẻ em. Người bệnh đứng lâu sẽ bị choáng váng rồi xỉu. Phòng ngừa tụt huyết áp kiểu này không nên đứng quá lâu, uống nhiều nước, ăn hơi mặn. Nếu nặng, cần phải dùng cortisone.

Lưu ý chị là ngoài 2 nguyên nhân thường gặp nhất như trên, tụt huyết áp còn do rất nhiều nguyên nhân khác, trong đó có những bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị rất cẩn thận. Theo tôi, nếu tình trạng trên kéo dài, hoặc xảy ra quá thường xuyên, chi Huyền nên được khám và tư vấn bởi một BS chuyên khoa tim mạch để xác định chính xác nguyên nhân thì điều trị mới đạt hiệu quả. Chị có thể đến khám chuyên khoa tim mạch BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, Viện Tim…

Chúc chị sớm được điều trị thích hợp và ổn định.

0 Response to "26 tuổi đã bị đột quỵ 1 lần thường bị đâu đầu, ra mồ hôi lạnh ... liệu có phải đã mắc bệnh huyết khối ?"

Đăng nhận xét