Tùy tiện như “ăn gì bổ nấy”

TS Nguyễn Phương Dung, khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TPHCM, cảnh báo: không thể ngâm các loài động vật có nọc độc… vào trong rượu để uống. Các loại độc này chưa qua khâu chiết tách các thành phần độc hại, sẽ dẫn đến suy hô hấp, tím tái, ngưng thở và tử vong.

ruouran
Bình rượu trông thật đẹp mắt nhưng chất lượng thì... (Ảnh minh họa)

Các loại độc chất trong rắn, bò cạp, ong… chưa qua khâu chiết tách các thành phần độc hại, sẽ dẫn đến suy hô hấp, tím tái, ngưng thở và tử vong. Thậm chí, sau khi đã chiết tách, cũng chỉ được bỏ vào rượu một lượng nọc độc rất ít, nếu không sẽ xảy ra ngộ độc. Tóm lại, rượu có ngâm nọc độc chỉ nên dùng để xoa bóp bên ngoài da trị đau nhức.

Ngoài ra, muốn có rượu ngâm đạt hiệu quả điều trị, cần phải đúng liều lượng. Ví như cứ 2 lít rượu cần có 1gr nọc bò cạp (tương đương với 8.000 con bò cạp).

BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội đông y Việt Nam cho biết, hầu hết người dân không tuân thủ đúng quy trình nấu cao hoặc bào chế động vật để ngâm rượu. Tay gấu, tay hổ, bìm bìp … khi ngâm rượu để cả lông sẽ rất mất vệ sinh, người uống có thể bị tiêu chảy. Người uống rượu ngâm nhung hươu không được cạo sạch lông có nguy cơ bị viêm ruột. Việc sử dụng thịt, bộ phận sống của các động vật quý hiếm ngâm rượu sẽ không có gì bảo đảm là tốt cho sức khỏe bởi thịt sống sẽ bị phân hủy vào trong rượu, uống rất mất vệ sinh.

Đáng lo ngại hơn, việc bào chế các loại cao không đúng sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Theo Đông y, việc nấu cao hổ phải trải qua nhiều giai đoạn rất công phu nhưng hiện nay các cơ sở chế biến rượu ngâm tư nhân chỉ đập dập xương hổ rồi bỏ vào ninh, bỏ qua công đoạn sao tẩm. Do đó, người uống càng thêm mệt mỏi, thậm chí nguy cơ bị ngộ độc rất cao.

Các bác sĩ cho biết, hiện có rất nhiều người sử dụng rượu thuốc ngâm các loài động vật quý hiếm để chiêu đãi bạn bè và họ thả sức uống. Điều này rất đáng lo ngại, bởi loại rượu này chỉ được uống với liều lượng rất ít, nếu uống tràn lan cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Theo bác sĩ Hướng, mỗi ngày chỉ nên uống các loại rượu ngâm tối đa là 20 ml, uống vào buổi tối là tốt nhất. Không nên uống rượu thuốc vào buổi sáng vì lúc này, đàn ông thường dương khí vượng, nếu uống vào sẽ khiến dương khí bị tản, lặp lại nhiều lần sẽ làm cho người chóng già, sinh bệnh.

Những người bị bệnh gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… không được uống rượu ngâm, kể cả rượu ngâm các loài động vật quý hiếm.

Theo Đất Việt

0 Response to "Tùy tiện như “ăn gì bổ nấy”"

Đăng nhận xét