Đột quỵ “hạp” với doanh nhân!

Kinh nghiệm thực hành bệnh viện hàng ngày và theo y văn thế giới cho thấy một trong những đối tượng dễ bị đột quỵ nhất là giới doanh nhân. Ở Việt Nam cũng vậy.

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TPHCM; giảng viên đại học Y dược TPHCM

Những lo toan, vất vả của đời thường tăng lên cùng với cái tất bật đến mệt mỏi của công việc đã làm nhiều người dễ rơi vào tình trạng đột quỵ. Tuy chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về chuyện này, nhưng với kinh nghiệm dân gian và những cảm nhận của hơn hai chục năm làm nghề thầy thuốc, tôi thấy đây là một hiện tượng có thật, cần được quan tâm đúng mức.

Khi nào bị đột quỵ?

Trong giới thầy thuốc, ai cũng biết đột quỵ hay tai biến mạch máu não chỉ là một. Nhưng trong người dân, không phải ai cũng biết điều này. Đột quỵ thật ra là một tình trạng bệnh lý cấp tính gây ra bởi tình trạng thiếu máu đột ngột của toàn bộ hay một phần não bộ của con người. Khi thiếu máu màng oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não, các tế bào não sẽ chết trong vòng từ 3 – 5 phút. Tế bào não bị chết sẽ gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tri thức, vận động và cảm giác của những vùng cơ thể do phần não bị tổn thương chi phối có thể đưa đến tê, yếu, liệt một nửa người, hôn mê và tử vong do tràn máu não thất. Có ba loại tổn thương của mạch máu não trong đột quỵ:

Nhồi máu não: động mạch nuôi não bị tắc nghẽn cấp tính do cục máu đông hay mảng xơ vữa trong xơ vữa động mạch làm bít lại. Đây là dạng nhẹ nhất của đột quỵ. Bệnh nhân không bị tử vong nhưng để lại khá nhiều di chứng, có những di chứng không thể hồi phục.

Xuất huyết não: là tình trạng đột quỵ nặng nề nhất, gây ra bởi hiện tượng vỡ của các động mạch trong não. Ngoài việc thiếu máu nuôi, các tế bào thần kinh còn bị chết khá nhiều do hiện tượng chèn ép não của máu.

Xuất huyết dưới khoang màng nhện: gây tình trạng bao bọc và chèn ép khoảng trống quanh não bộ do máu thoát ra từ lòng mạch.

Những người dễ đột quỵ

"Sự giàu có mang lại cho người ta niềm hãnh diện và hạnh phúc nhưng cũng kèm theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khoẻ"

Đột quỵ nói chung có thể xảy ra ở bất kỳ ai và bất kỳ tuổi nào. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế dựa trên nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng như trong thực tế thấy rằng tỉ lệ người bị đột quỵ gia tăng ở nhóm những người có nguy cơ cao: người lớn tuổi, hiện trên 70 tuổi; bệnh nhân bị cao huyết áp mà không biết hoặc không được điều trị triệt để; bệnh nhân bị tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2; bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hoá mỡ; người bị bệnh tim, nhất là bị bệnh van tim.

Ở những bệnh nhân này, các cục máu đông hình thành trong buồng tim có thể chuyển lên làm tắc mạch máu não trong một buổi sáng đẹp trời nào đấy; người hút nhiều thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì và ít vận động.

Những năm gần đây, trong thời kỳ hội nhập với thế giới, sự phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu. Thương trường là chiến trường. Những lo âu, căng thẳng, stress trong cuộc sống, những bữa nhậu ngoại giao liên miên với rượu bia như nước, thức ăn giàu dinh dưỡng và quá nhiều chất bổ béo đã khiến các doanh nhân trở thành một trong những đối tượng dễ bị đột quỵ nhất.

Kinh nghiệm thực hành bệnh viện hàng ngày và theo y văn thế giới đã ghi nhận điều này. Ở Việt Nam cũng vậy. Sự giàu có mang lại cho người ta niềm hãnh diện và hạnh phúc nhưng cũng kèm theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khoẻ.

Phòng ngừa sao cho hiệu quả?

Điều đầu tiên là phải thay đổi cách sống và làm việc. Đó là một điều rất khó đối với phần lớn các doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vì nếu không có rượu bia, thuốc lá và không có làm việc cật lực để nắm bắt thời cơ thì sẽ rất khó có những hợp đồng, rất khó kiếm được công việc cho công ty, xí nghiệp của mình. Tuy nhiên không thể vì thế mà đánh đổi sức khoẻ bằng mọi giá. Nên khám và kiểm tra sức khoẻ định kỳ mỗi ba đến sáu tháng.

Hiện nay có khá nhiều bệnh viện và phòng khám đa khoa thuộc hệ thống y tế tư nhân đã triển khai những hình thức khám kiểm tra sức khoẻ trọn gói cho từng đối tượng, ở mỗi lứa tuổi và tuỳ giới nam hay nữ. Hình thức khám bệnh này rất tốt, phù hợp với khuynh hướng khám và chữa bệnh hiện đại trên thế giới. Với những đối tượng là doanh nhân trên 40 tuổi trở lên, khám kiểm tra sức khoẻ định kỳ giúp phát hiện rất nhiều bệnh trong đó có cao huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hoá lipid, tiểu đường… là những yếu tố nguy cơ cao có khả năng gây ra đột quỵ.

Trên cơ sở khám bệnh định kỳ, tầm soát các rối loạn và các yếu tố nguy cơ này, thầy thuốc sẽ có những điều trị và các lời khuyên thích hợp cho mỗi bệnh nhân.

Sơ cứu quyết định sinh mạng

Ít khi đột quỵ xảy ra trong môi trường bệnh viện. Hầu hết đều bị tại nhà, cơ quan, nơi công cộng… Việc sơ cứu trong môi trường không có sự hiện diện của thầy thuốc, thiếu hẳn các trang thiết bị tối thiểu là điều rất khó nhưng lại quyết định đến sinh mạng của nạn nhân. Do vậy khi gặp người bị đột quỵ, phải nhanh chóng thực hiện một số điều sau: đỡ người bệnh không cho bị té, vì bị té sẽ thêm tổn thương làm cho nạn nhân nặng hơn; để nạn nhân nằm nghiêng qua một bên, cho ói hết ra, móc đàm rãi để dễ thở; đưa ngay người bệnh tới một cơ sở y tế gần nhất. Những trường hợp bệnh nhân nặng, cơ sở y tế ở xa, việc chuyển bệnh nhân đi cũng phải cân nhắc vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh lý và có thể tử vong trên đường chuyển bệnh; không tự ý sử dụng thuốc hạ huyết áp nếu không có chỉ định của thầy thuốc vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh; đặc biệt là không được cạo gió, cúng vái hay cắt lể…những thói quen dân gian rất nguy hiểm.

(Theo NLĐ)

0 Response to "Đột quỵ “hạp” với doanh nhân!"

Đăng nhận xét