Thông tin và quảng cáo thuốc: Cung cấp - tiếp nhận - quản lý (Bài 1)
Bài I: Tiếp nhận và sử dụng thông tin
Mỗi ngày nhà nghiên cứu, thầy thuốc, người bệnh nhận được vô vàn thông tin thuốc, có khi chồng chéo, trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn nhau. Làm sao để cung cấp, tiếp nhận, dùng thông tin hiệu quả.
Phân loại thông tin: Muốn cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin phải phân loại. Giới nghiên cứu chia theo giá trị chứng cứ. Dưới đây, để dễ hiểu, tạm phân chia theo một số nhóm.
Aslem chưa thực sự hỗ trợ hay điều trị ung thư như những thông tin đã "thổi phồng".
Nhóm 1: Những nhận xét hay kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm, súc vật.
Thông tin này gợi mở hướng đi hay vấn đề mới. Tuy nhiên có sự khác nhau giữa súc vật và người, chưa thể dùng cho người, nếu dùng có khi không hiệu quả mà có hại. Ví dụ: Vào những năm 80, các nhà khoa học khám phá ra chất nattokinase (trong đỗ tương lên men). Thử trong ống nghiệm, chúng làm tan được các cục máu đông, gợi ý có thể dùng làm thuốc. Song nay vẫn chưa chuyển thành thuốc. Lý do là các thuốc chống đông hiện dùng (như streptokinase) không bền vững, dùng đường tiêm. Nattokinase cũng không bền vững, chưa chế thành dạng tiêm, thử trên người. Khi bị bệnh nếu chỉ tin dùng nattokinase mà không chịu dùng đúng thuốc phòng chữa, có thể bị huyết khối, gây nghẽn mạch cấp. Trong khoa học, có những cách làm rất táo bạo như năm 2006, có nhà khoa học đã tiêm chất bufadienolit (một chất độc lấy từ cóc vào khối u ung thư) thấy làm giảm được đau nhưng không gây nghiện như morphin. Nếu hiểu thô thiển chất này chữa được ung thư, rồi dùng rượu cóc, ăn cóc sẽ gây chết người vì trong cóc ngoài bufadienolit còn có nhiều chất độc khác.
Nhóm 2: Những nhận xét, kết quả đã nghiên cứu trên người nhưng chỉ trong phạm vi hẹp (vài chục người, vài trăm người), không đối chứng, không có ý nghĩa thống kê:
Từ thông tin này chỉ có thể đưa ra lời khuyên, không thể đưa ra quyết định (dùng hay cấm dùng thuốc). Nhà chuyên môn có thể thử trong phạm vi hạn chế nhằm làm sáng tỏ, chứ không thể phổ biến, dùng rộng rãi, khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ: Các nghiên cứu gần đây ở Anh, Mỹ cho biết người có bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa có nồng độ vitamin D trong máu thấp. Chưa thể dựa vào thông tin này, bổ sung vitamin D, vì chưa có nghiên cứu theo chiều ngược lại là bổ sung vitamin D thì ngừa được nguy cơ các bệnh này. Hơn nữa, vitamin D độc, chưa nghiên cứu với người có nguy bệnh này, bổ sung bao nhiêu là vừa? Có nguy hại gì có thể xảy ra? Ngoài ra, nước ta quanh năm đầy đủ ánh sáng, tình trạng thiếu vitamin D chưa hẳn là phổ biến như ở các nước Âu Mỹ. Một nghiên cứu thấy dùng salmeterol hít, người da đen có tai biến nhiều hơn người da trắng. Có người biết thông tin này bỏ dùng thuốc. Thực ra, đây là nghiên cứu trên một nhóm nhỏ, nhìn toàn cục, thuốc vẫn an toàn. Bỏ dùng đột ngột làm cho cơn hen tái phát.
Nhóm3: Những kết quả nghiên cứu trên người ở phạm vi rộng (thường từ 3.000 - 5.000 có khi hàng chục nghìn người) có đối chứng, kết quả có ý nghĩa thống kê, ý nghĩa lâm sàng:
Đây thường là các nghiên cứu lâm sàng (với thuốc mới) hoặc nghiên cứu hậu mại (với thuốc cũ) được đánh giá là có bằng chứng cao. Nếu kết quả tốt (+) sẽ được cấp phép dùng thuốc mới hay ghi thêm công dụng mới (vd: ghi thêm công dụng ngăn tập kết tiểu cầu của aspirin). Nếu kết quả xấu (-) buộc ghi cảnh báo lên nhãn (vd: ghi thêm tác dụng phụ tiêu cơ vân của statin) hay đình chỉ lưu hành (vd: cấm rofercobxib vì gây tai biến tim mạch). Thông tin ở tờ giới thiệu kèm theo thuốc dựa vào loại thông tin có bằng chứng cao này.
Cung cấp thông tin
- Có nhiều nguồn: Cần tìm nguồn từ các tạp chí có uy tín, trong đó có nêu thiết kế nghiên cứu, số liệu thu được, biện luận, kết quả... Ngay ở các tạp chí có uy tín, đôi khi cũng vẫn còn những vấn đề cần xem xét lại, nên đọc và phân tích kỹ. Hiện có tình trạng người này chép lại thông tin của người khác sưu tầm, dịch, nên dễ bị "tam sao thất bản".
- Trung thực với thông tin: Có khi người viết đưa ra tiêu đề hấp dẫn ví dụ: "Phát hiện tác dụng chữa bệnh tim mạch của vitamin D", "Tác dụng phòng ung thư quý giá của quả na". Sự thật: Nghiên cứu về vitamin D như đã dẫn. Còn quả na, thì mới có nhận xét dùng cho một nhóm nhỏ người bệnh thấy ung thư có chậm phát triển song chưa có nghiên cứu dịch tễ học trên diện rộng so sánh tỷ lệ mắc ung thư giữa nhóm người dùng quả na và nhóm không dùng. Tuy vô tình song cách đưa thông tin như vậy là cường điệu kết quả nghiên cứu.
- Không đưa các thông tin thiếu chính xác: Cách đây không lâu, có người đưa lên báo thông tin aslem chữa được ung thư, gây cơn sốt aslem. Sự thật, tại Viện điều trị ung thư, sau 5 năm dùng aslem điều trị cho 74 người, xác nhận không có gì khác biệt so với cách điều trị truyền thống, chưa thể khẳng định thuốc chữa được hay hỗ trợ chữa ung thư.
- Đăng thông tin đúng chỗ: Dùng vitamin K trên súc vật (có tạo ra xơ hóa mạch), thấy có làm thay đổi mức canxi thành mạch, hạn chế xơ hóa. Nếu đăng thông tin này trong mục "thông tin khoa học", "khám phá khoa học","chân trời khoa học"... thì hiểu đó chỉ là một nghiên cứu nhưng nếu đăng trong mục dùng thuốc thì sẽ hiểu là có thể áp dụng trong điều trị.
Dùng thông tin
Bác sĩ, dược sĩ có thể dùng thông tin có bằng chứng cao (nhóm 3) để kê đơn, hướng dẫn dùng thuốc. Người bệnh không thể căn cứ vào thông tin này, tự ý mua thuốc dùng. Bởi vì: Không khám thì không chắc chắn đã bị đúng bệnh ấy. Nếu gặp may có đúng bệnh chăng nữa thì cũng chưa có thể dùng (vì có thể cơ địa hay có bệnh kèm theo mà không dùng dược). Càng không thể dựa vào thông tin nghiên cứu trên súc vật hay thông tin mới thử trên người trong phạm vi hẹp. Dùng thông tin này chữa bệnh dễ gặp tai biến nguy hiểm.
Trong thời đại bùng nổ thông tin việc cung cấp, tiếp nhận, dùng thông tin phải cẩn trọng nếu không sẽ bị nhiễu, có hại.
DSCKII. Hà Thủy Phước
0 Response to "Thông tin và quảng cáo thuốc: Cung cấp - tiếp nhận - quản lý (Bài 1)"
Đăng nhận xét