Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả
Hiện nay trên thế giới việc sản xuất cũng như lưu thông phân phối dược phẩm tăng quá lớn. Nước ta cũng vậy. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân biết và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh.
Khi có bệnh và phải dùng thuốc, bệnh nhân nên đặt câu hỏi tại sao phải dùng thuốc. Có phương pháp nào khác thay thế thuốc để điều trị không? Tại sao phải dùng thuốc này? Tại sao lại phải dùng nhiều thuốc như vậy? Thuốc này có dễ mua không?... Thuốc, có định nghĩa như mọi người đã biết, nó là sản phẩm dùng để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho con người. Nhưng luôn luôn ghi nhớ rằng nó chưa phải là hướng duy nhất để điều trị bệnh tốt nhất. Bởi lẽ ngoài tác dụng tốt, đúng mục đích cho điều trị, nó còn có tác dụng phụ, phản ứng có hại của thuốc (ADR)... cho đến nay ngay đến từ ngữ vẫn còn nhiều người, kể cả số ít đang làm chuyên môn trong ngành y, hiểu chưa thấu đáo, còn có sự lẫn lộn giữa tác dụng phụ và ADR. Ta nên hiểu cụ thể là ngoài tác dụng chính, thuốc còn có thêm các tác dụng khác nữa. Ví dụ như diazepan (seduxen) là thuốc giải lo âu, bồn chồn còn có tác dụng an thần, gây ngủ mà mọi người vẫn gọi nhầm là thuốc ngủ. Thuốc sản xuất đã đạt GMP, GLP, GSP... nhưng vẫn có ADR xảy ra với cá thể bệnh nhân. Vì vậy ngay từ vấn đề từ ngữ cũng cần hiểu chi tiết, nếu không hướng sử dụng thuốc sẽ có nhầm lẫn xảy ra.
Thuật ngữ chuyên ngành rất cần cho người bệnh
Sử dụng thuốc hợp lý đòi hỏi người bệnh phải nhận được thuốc thích hợp với đòi hỏi của lâm sàng và liều lượng đáp ứng được yêu cầu cá nhân người bệnh trong một khoảng thời gian thích hợp và với chi phí ít gây tốn kém nhất cho người bệnh và cho cộng đồng (WHO, 1998). Cụ thể hơn người sử dụng cần quan tâm đến số phận của thuốc trong cơ thể, quá trình tác dụng của thuốc lên cơ thể (dược lực học) và ngược lại là quá trình tác động của cơ thể lên thuốc (dược động học). Trong đó vấn đề cần quan tâm nhất là: tương tác thuốc (làm giảm hiệu lực, gây độc...), phối hợp thuốc (bất lợi và có lợi). Thuốc chữa triệu chứng (hết triệu chứng có thể dừng thuốc). Thuốc điều trị căn nguyên (phải tuân theo phác đồ nghiêm ngặt về liều lượng, thời gian dùng...). Người xưa có câu "cơm ba bát thuốc ba thang" ngụ ý nói thuốc thang phải có liều lượng. Thuốc cần phải dùng đúng theo thời gian quy định một cách nghiêm ngặt theo nhịp sinh học để phát huy được tác dụng tốt nhất. Ví dụ uống thuốc trước khi ăn, sau khi ăn và trong khi ăn, vào buổi sáng, vào buổi tối trước khi đi ngủ... người ta đưa ra khái niệm liên quan đến liều lượng, đó là "cửa sổ điều trị". Nó thể hiện nồng độ tối đa mà cơ thể có thể dung nạp được trước khi xuất hiện tác dụng gây độc của thuốc. Như vậy độ rộng của "cửa sổ điều trị" hẹp thì độ an toàn của thuốc sẽ thấp và ngược lại. Thuốc có "cửa sổ điều trị" hẹp phải cảnh giác vì liều điều trị và liều độc gần nhau. Vấn đề tương tác thuốc có thể dự kiến được và có khi không dự kiến trước được. Tương tác giữa cơ thể tác động lên thuốc (tương tác dược động học), giữa thuốc và thụ thể (tương tác dược lực học) gián tiếp làm nhiễu tác dụng của thuốc. Tuổi "49 chưa qua 53 đã tới" là tuổi thay đổi sinh lý và tuổi càng cao lượng thuốc lại dùng nhiều lên gây ra tương tác thuốc có ảnh hưởng lớn đến tương đương sinh học của thuốc. Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, trạng thái sinh lý bệnh lý của bệnh nhân, người nghiện rượu, thuốc lá, cà phê, chế độ dinh dưỡng, có tự dùng thuốc gì không, các bệnh mắc phải (rối loạn chuyển hóa, thần kinh, tim mạch, tâm thần kinh, chức năng gan, thận...) cũng như vậy. Sử dụng thuốc cấp cứu, chống độc, chống sốc cũng có chuyên luận cụ thể và cần chú ý tất cả những vấn đề đã nêu ở trên. Ở đây quan tâm đến vấn đề thời gian dùng từng thuốc và giữa các thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, hướng tâm thần, tim mạch... Điều này được bác sĩ dặn kỹ lưỡng. Nó cũng có trong tờ hướng dẫn sử dụng ở trong hộp thuốc. Bệnh nhân cũng có thể tham khảo kỹ ở các sách hướng dẫn sử dụng thuốc và biệt dược. Việc phối hợp thuốc có tỷ lệ thuận với nguy cơ cao, cho nên cần hạn chế vấn đề này. "Trình độ thầy thuốc không được đo theo độ dài của đơn". Không phối hợp trên năm loại thuốc và càng phối hợp ít càng tốt. Không nên phối hợp thuốc khi lợi ích chưa được chứng minh. Vấn đề tương tác thuốc (thuốc - thuốc, thuốc - thực phẩm, thuốc - nước uống), kể cả ở ngoài cơ thể (do quá trình sản xuất, bảo quản, lưu thông phân phối...) có khi là đối kháng hoặc cộng hưởng, có khi là do hiện tượng vật lý, hoá học (ôxy hoá khử, thuỷ phân,...), do dược lực (hoạt tính, ái lực do liên kết, thay đổi vị trí...) có thể sẽ gây ra bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, lợi bất cập hại.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không dùng thuốc qua thông tin quảng cáo
Hiện nay bệnh nhân có tâm lý thích được bác sĩ kê cho nhiều thuốc, thuốc biệt dược mới thì mới vừa ý. Tâm lý này là bất lợi. Bệnh nhân cần tham khảo lời khuyên từ các bác sĩ lâm sàng có kinh nghiệm dựa vào cơ chế để kê đơn, hướng dẫn sử dụng, điều chỉnh thuốc, chứ không phải từ phía tiếp thị theo lợi nhuận. Việc hướng dẫn nên mô phỏng bằng ngôn ngữ cộng đồng để bệnh nhân dễ hiểu, ví dụ: hệ tim mạch giống như hệ thống cấp nước trong gia đình, máy bơm (như quả tim), ống dẫn nước (mạch máu). Ống dẫn nước lâu ngày han gỉ, lắng đọng (giống sự tạo thành tế bào bọt và mảng vữa xơ), làm tắc ống nước và gây ra rò gỉ, vỡ ống nước (giống như tai biến mạch máu). Từ đó bệnh nhân tự liên hệ, hiểu biết và nhớ để sử dụng thuốc cho an toàn, hiệu quả, hợp lý.
DSCKII. Nguyễn Hữu Minh
0 Response to "Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả"
Đăng nhận xét