Sản giật: một tai biến sản khoa cần quan tâm
Sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa gây tử vong cao cho mẹ và con mà từ lâu đã được ngành Y tế quan tâm.
Sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa gây tử vong cao cho mẹ và con mà từ lâu đã được ngành Y tế quan tâm. Chủ trương cuả Ngành là tích cực phòng chống Sản giật bằng cách quản lý thai tốt, qua đó phát hiện những triệu chứng của Tiền sản giật để điều trị sớm, nhờ vậy sẽ không chuyển biến sang sản giật.Tuy nhiên, việc quản lý thai có tốt hay không lại phụ thuộc nhiều vào ý thức của thai phụ. Khi họ chưa hiểu được sự quan trọng của việc khám thai, chưa biết được sản giật là căn bệnh hiểm nghèo thì họ vẫn không nghe lời khuyên cuả người Cán bộ Y tế để đi khám thai theo qui định.
Trong 2 tuần lễ đầu tháng 3 năm 2003, Bệnh viện Hùng Vương liên tục tiếp nhận 3 trường hợp sản giật ở nhà , tuổi từ 25 đến 37; trong đó có 2 trường hợp khi đến bệnh viện thì đã ngưng tim ngưng thở và thai nhi chết trong bụng mẹ. Một trường hợp được cứu sống nhưng sản phụ đang sống một đời sống thực vật, trường hợp kia thì sau 24 giờ thở máy được xuất viện với tình trạng "hấp hối xin về". Gia đình cuả 3 bệnh nhân nói trên cho biết không ai đi khám thai đều đặn vì thai phụ cảm thấy "không có vấn đề gì". Ngay chính trường hợp được gọi là "hấp hối" nói trên cũng đã có tiền sử sản giật suýt tử vong trong lần sanh trước nhưng họ vẫn rất coi thường vấn đề khám thai . Thật ra, Tiền sản giật thường xuất hiện muộn , từ tuần lễ thứ 20 trở đi. Những triệu chứng chính cuả bệnh này là: huyết áp cao ( từ 140/90 mmHg trở lên trên thai phụ có huyết áp trước đây bình thường ), có đản bạch 300mg/lít nước tiểu trong 24 giờ, có thể có phù hay không. Phù được xem là bệnh lý nếu thai phụ tăng cân trên 2 Kg / tuần.
Tiền sản giật nhẹ có thể nhanh chóng chuyển biến thành Tiền sản giật nặng: áp huyết tăng trên 160/110 mmHg , đản bạch tăng 5g/L nước tiểu trong 24 giờ. Bệnh nhân đi tiểu ít ( dưới 500ml trong 24 giờ). Họ có những rối loạn thị giác như mờ mắt, hoa mắt hoặc có thể mù mắt kèm theo ù tai, nhức đầu dữ dội. Có những rối loạn tiêu hoá như ói mưả, tiêu chảy, đau vùng thượng vị nên thường dễ tưởng lầm là đau dạ dầy.Bệnh nhân thấy mệt, khó thở với những cơn ho liên tục khiến họ không thể nằm ngủ được. Đó là biểu hiện cuả tình trạng dọa phù phổi cấp. Bệnh tiến triển nặng thì có thể có biến chứng rối loạn đông máu, suy chức năng gan, vỡ gan…
Nếu không được điều trị kịp thời , Tiền sản giật nặng sẽ chuyển sang Sản giật với những cơn co giật toàn thân, sùi bọt mép và rơi vào hôn mê. Trong và sau cơn giật có thể có những biến chứng nặng như xuất huyết não, thiếu Oxy não và dẫn đến tử vong . Thai nhi cũng có thể chết khi mẹ lên cơn giật vì mẹ thiếu Oxy hoặc do nhau bong non, suy tuần hoàn nhau thai.
Tiền sản giật – Sản giật là bệnh thường gặp với tần suất từ 5-8% thai kỳ. Các yếu tố khiến bệnh dễ xảy ra là :
- Con so
- Đa thai
- Có tiền căn bị Tiền sản giật trong lần mang thai trước.
- Cao huyết áp mạn tính
- Tiểu đường
- Có mắc các bệnh lý về mạch máu, thận…
- Béo phì
- Trên 35 tuổi.
Diễn tiến cuả bệnh thường khả quan sau khi đã sanh xong. Triệu chứng bệnh tự nhiên mất dần : Đạm niệu và phù biến mất trong vòng 1 tuần , áp huyết trở về bình thường trong vòng 2 tuần. Nếu áp huyết vẫn cao thì phải nghĩ đến cao huyết áp mạn tính do bệnh lý ở thận, bệnh lý tim mạch. Các rối loạn thị giác, thần kinh cũng sẽ mất sau 1-2 tuần.
Tóm lại, muốn ngăn ngưà sản giật, , tốt nhất là thai phụ phải được khám thai đều đặn ít nhất mỗi tháng một lần.Trong tháng cuối cùng thì số lần khám sẽ thường xuyên hơn tùy theo tình trạng thai phụ và thai nhi, nhờ đó có thể phát hiện những bất thường về huyết áp, về tình trạng tiểu đản bạch, mức độ tăng cân…. Thai phụ cũng phải được hướng dẫn kỹ để có thể nhận biết những triệu chứng cuả Tiền sản giật từ nhẹ đến nặng để kịp thời đến Bệnh viện khám và điều trị. Việc điều trị chủ yếu là ngăn ngừa không để xảy ra sản giật. Nếu tiền sản giật không đáp ứng với điều trị thì phải chấm dứt thai kỳ dù tuổi thai là bao nhiêu. Nếu không đủ điều kiện sanh ngả âm đạo thì phải mổ lấy thai.Nếu thực hiện đúng những điều kể trên thì chắc chắn ta có thể tránh được những kết cục thương tâm như đã được nêu ở phần đầu cuả bài viết này.
PGS.TS.BS. Vũ Thị Nhung
0 Response to "Sản giật: một tai biến sản khoa cần quan tâm"
Đăng nhận xét