Hải sản: ăn đúng cách, không khóc nửa đêm
Hải sản thường giàu đạm và các dưỡng chất cần thiết khác. Hải sản cũng rất ít chất béo no và chứa axit béo không no omega-3, là chất béo thiết yếu cho cơ thể. Hải sản còn giàu vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) và khoáng chất (canxi, kẽm, sắt, đồng, kali…). Do đó, hải sản sẽ góp phần đa dạng cho chế độ ăn cân đối, khoẻ mạnh và giúp trẻ tăng trưởng. Tuy nhiên, hải sản cũng ẩn chứa một số nguy cơ đối với sức khoẻ.
Trong số các loại hải sản, cá biển là thực phẩm tuyệt vời đối với sức khoẻ do chứa đạm có giá trị sinh học cao với tỷ lệ cân đối, phù hợp với cơ thể người. Cá còn rất giàu chất béo không no omega-3 cần để tạo màng tế bào thần kinh và có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch. Do đó, ăn cá ít nhất 3 lần/tuần rất có lợi cho sức khoẻ. Gan cá còn rất giàu vitamin A và D. Hàu thì rất giàu kẽm là thành phần của hơn 300 enzyme bên trong cơ thể, là chất cần thiết để trẻ tăng trưởng, và cũng rất cần để phát triển hệ sinh dục. Hầu hết các loại hải sản đều giàu canxi (nhất là các loại cá nhỏ ăn được cả xương) nên rất cần cho xương và răng. Nhưng nếu không biết lựa chọn, bảo quản, chế biến hải sản đúng cách và ăn có mức độ thì có thể "lợi bất cập hại".
Lượng cholesterol trong hải sản thường thấp so với các thực phẩm khác như thịt heo, bò, gia cầm và nội tạng động vật (gan, cật, lòng…). Tuy nhiên, lượng cholesterol trong từng loại hải sản rất khác nhau và cao nhất là trong tôm và mực (trên dưới 200mg cholesterol/100g tôm hoặc mực), kế đến là cua (khoảng 100mg cholesterol/100g cua không tính vỏ). Trong khi đó, lượng khuyến cáo cho một người bình thường khoẻ mạnh là không quá 300mg/ngày. Người có cholesterol trong máu cao cần hạn chế lượng cholesterol trong chế độ ăn không quá 100mg/ngày. Người thừa cân – béo phì thường có nguy cơ cholesterol trong máu cao cũng không nên ăn "thoải mái" các loại hải sản như tôm, mực, cua.
Các món ăn từ hải sản cũng là những thực đơn "kiêng kỵ" đối với bệnh gout, căn bệnh viêm khớp cấp do tăng axit uric trong máu và gây lắng đọng các thể purin ở khớp (thường ở ngón chân cái). Đây là căn bệnh được mệnh danh là "bệnh nhà giàu" do chế độ ăn nhiều thịt, hải sản, và uống rượu bia làm tăng axit uric trong máu. Người thừa cân, béo phì nguy cơ bị gout cũng cao. Nếu không tiết chế kịp thời thì đến một lúc nào đó sẽ "bật khóc trong đêm" do cơn đau khớp đến đột ngột giữa giấc ngủ!
Cách chế biến hải sản cũng có thể gây bất lợi cho cơ thể. Hải sản chế biến chưa chín hẳn (gỏi cá sống, hàu sống, sò, mực nướng…) có thể ẩn chứa vi trùng và ký sinh trùng. Đó là nguyên nhân của không ít trường hợp nhiễm trùng đường ruột khi ăn hải sản. Ngày nay, khi môi trường ngày một ô nhiễm thì một nguy cơ nữa phải kể đến khi ăn nhiều hải sản là khả năng nhiễm kim loại nặng như thuỷ ngân.
Các món ăn từ hải sản thường dễ chế biến và ngon miệng nên rất được ưa chuộng trong các bữa tiệc. Hải sản giàu đạm, nhiều khoáng chất và ít béo nên là thực phẩm tốt cho cơ thể. Cá biển là loại hải sản tốt nhất nên xuất hiện trong thực đơn hàng tuần. Tuy nhiên, một số loại hải sản chứa khá nhiều cholesterol, không nên ăn thường xuyên với lượng nhiều. Người có nguy cơ axit uric máu cao nên hạn chế các loại hải sản.
Theo SGTT
0 Response to "Hải sản: ăn đúng cách, không khóc nửa đêm"
Đăng nhận xét