Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành làm cho lượng máu cung cấp cho cơ tim bị giảm sút.Mặc dù chưa có thống kê khảo sát cụ thể, nhưng qua kinh nghiệm điều trị những năm gần đây đã khiến các bác sĩ Viện Tim Mạch- Bệnh viện Bạch Mai thật sự lo lắng về việc ngày càng có nhiều bệnh nhân chưa đến tuổi 40 đã bị bệnh mạch vành. Thậm chí có trường hợp mới 28 tuổi đã phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim.
Một ca nhồi máu cơ tim cấp cứu tại C3-
Viện Tim mạch Việt Nam
Sáng 2-11-2010, tại Viện Tim mạch Việt Nam dọc khu nhà C, hai bên cầu thang đông nghịt người. Đông nhất là những bệnh nhân ngoại tỉnh. Nhiều người cơm đùm, cơm nắm, lên xuống thành phố vài lần mới được khám và nhập viện. Có những người vào viện trong tình trạng cấp cứu cũng phải nằm ghép tới 2 người/ giường. Một số khác nhẹ hơn thì nằm cáng hoặc giường gấp. Các phòng Siêu âm tim hoặc Điện tim... bệnh nhân nườm nượp vào kiểm tra. Tại Phòng Cấp cứu C3- Viện Tim Mạch, bệnh nhân liên tục được chuyển vào. 22 giường ở đây kín bệnh nhân. Hầu hết 2-3 người/giường. Bệnh nhân Nguyễn Hoàng Huy 50 tuổi ở Hà Nam được đưa vào trong tình trạng tắc mạch não, liệt 1/2 người trái, liệt mặt trái, uống nước vãi, tay chân trái yếu. Các xét nghiệm kết luận: bị đột quỵ do đa hồng cầu, phải điều trị và theo dõi chặt bởi diễn biến của bệnh phức tạp. Khó thở, mệt mỏi kéo dài... BN Phạm Thị Sự ở Hà Nội phải nhập viện. Bác sĩ điều trị cho hay, do biến chứng của bệnh tiểu đường, tăng huyết áp... nên ngay sau khi nhập viện, BN có biểu hiện của nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não (lú lẫn, liệt).
Nói về thực trạng BN nhập viện nhiều, TS Phạm Hoàn Tiến- Phó trưởng Phòng C3 cho biết, Viện Tim mạch có 170 giường, nhưng lúc nào cũng trên 770 BN nằm điều trị. Riêng phòng C3 đang phải cấp cứu 66 BN nặng. Chỉ trong ngày 1-11 Phòng C3 tiếp nhận 15 BN, trong đó có 7 ca động mạch vành (có liên quan đến nhồi máu cơ tim). Trước đây BN bị nhồi máu cơ tim thường ở tuổi 60 trở lên, nhưng nay lại hay xuất hiện ở những người chưa đến tuổi 40. Có trường hợp mới 28 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng các bác sĩ ở đây nhận thấy, bệnh mạch vành thường xuất hiện ở những đối tượng nghiện thuốc, rượu, ăn nhiều chất béo. Đặc biệt còn gặp nhiều người mà công việc thường ngày ít vận động, đầu óc luôn căng thẳng như trí thức.
Theo TS. Tiến, với những người thường xuyên làm việc căng thẳng đã vô tình tạo điều kiện làm tăng men tim, gây tổn thương ở tim. Một số người tưởng mình hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng trên thực tế cũng có thể bị một cơn nhồi máu cơ tim. Biểu hiện rõ nhất là cơn đau ngực, đau vùng xương ức (có khi diễn ra từng cơn), cơn đau như vặn xoắn, đè ép, lan ra vai trái, dọc cánh tay trái, ra sau lưng kèm theo cảm giác nghẹn. Có người không đau mà chỉ thấy mệt thỉu, mồ hôi vã ra. Những cơn nhồi máu nhẹ có biểu hiện diễn đi diễn lại, đau ngực kéo dài, mỗi lần đau vài chục giây rồi hết. Trường hợp nặng, BN có thể vã mồ hôi, khó thở, tím tái, thậm chí tim ngừng đập. Một số người bị suy động mạch vành mạn nhiều khi không có cơn đau thắt ngực mà biểu hiện bằng dạng khó thở khi gắng sức hoặc mệt. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh động mạch vành là nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực.
Trên thực tế có những người đã bị mắc một số bệnh lý ở phổi, dạ dày, ruột, thành ngực, kể cả tâm thần cũng có các cơn đau ngực. Nhưng nếu cơn đau thắt ngực xảy ra với những người có một trong các tiền căn như cao huyết áp, đái tháo đường, nghiện thuốc lá thì chắc chắn là đã bị bệnh động mạch vành. Ngược lại, ở người lớn tuổi, hoặc bệnh nhân đái tháo đường thường ít khi có biểu hiện cơn đau thắt ngực mặc dù đã bị động mạch vành. Nguyên nhân chính là xơ cứng động mạch vì cholesterol lưu lại trong máu, bám vào thành trong động mạch, sau một thời gian lòng động mạch tắc nghẽn hoàn toàn. Khi có cảm giác đau thắt vùng ngực, mệt mà nghi bị nhồi máu cơ tim thì tốt nhất người bệnh phải nằm im, sau đó gọi xe cấp cứu để chuyển đến viện sớm. Người bệnh không nên lo lắng sợ hãi chạy đi chạy lại sẽ làm tắc nghẽn động mạch vành nặng hơn, nguy cơ tử vong rất cao. BN nên vào viện can thiệp trước 12 giờ, tốt nhất là trước 6 giờ thì cơ tim phục hồi hoàn toàn. Nếu chậm hơn, cơ tim sẽ bị tổn thương, hoại tử dẫn đến biến chứng suy tim, rối loạn nhịp.
Hiện nay ngoài việc điều trị bệnh động mạch vành bằng phương pháp nội khoa, Viện Tim mạch- BV Bạch Mai đã áp dụng thành thạo nhiều kỹ thuật hiện đại can thiệp, trả lại cuộc sống cho hàng nghìn người bệnh.
Để phòng tránh các bệnh về mạch vành, TS Phạm Hoàn Tiến khuyên mọi người cần ăn nhiều chất xơ, hạn chế mỡ, rượu, bia, thuốc lá. Tập thể dục thường xuyên ,tránh căng thẳng. Hàng năm nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm xơ vữa động mạch. Phụ nữ tuổi mãn kinh và nam giới tuổi 40, nhất là những người có hiện tượng béo phì cần đi khám sức khỏe thường xuyên. Với những người đã bị bệnh động mạch vành, không được tắm nước quá nóng hoặc tắm hơi vì việc này sẽ làm giãn mạch quá mức, tim phải co bóp mạnh dễ dẫn đến làm bong mảng xơ vữa động mạch.
ĐKN
Bệnh mạch vành là gi?
Trái tim của chúng ta hoạt động giống như một cái bơm để bơm máu, đưa máu tới khắp các mô cơ quan trong cơ thể. Để đảm bảo được chức năng bơm máu một cách đều đặn khoảng 70-80 lần / phút, từ ngày này sang ngày khác này, bản thân trái tim cũng phải được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch máu riêng. Hệ thống mạch máu này được gọi là hệ mạch vành.
Bệnh mạch vành thường liên quan đến tình trạng tắt nghẽn trong lòng mạch vành ( nguyên nhân do mảng xơ vữa gây hẹp tắt hoặc do cục máu đông gây lấp mạch ) hoặc co thắt mạch vành. Bệnh mạch vành có thể chỉ biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực, có thể nặng nề và nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim.
0 Response to "Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh mạch vành"
Đăng nhận xét