Chữa bệnh xơ vữa mạch máu dưới bàn chân thì trong bao lâu và có di chứng dì không ?

Hỏi cho mẹ 60 tuổi, BS chẩn đoán bà bị xơ vữa mạch máu dưới bàn chân, chữa trị thời gian bao lâu, có để lại di chứng gì và giữ gìn như thế nào? Chẩn đoán đột quỵ (tai biến mạch máu não)?

Thư của cô Vy Lê cho thấy thân mẫu cô bị xơ vữa động mạch có biến chứng ở não và chân. Xin tư vấn để cô tham khảo như sau:

Xơ vữa động mạch là một bệnh thường xuất hiện từ tuổi trung niên, do sự tích tụ chất béo trong thành các động mạch tạo thành các mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa động mạch có thể ngày càng to dần gây chít hẹp lòng của động mạch. Khi mảng xơ vữa bị vỡ hoặc bị loét, huyết khối động mạch sẽ thành lập trên nền mảng xơ vữa ấy và gây tắc động mạch. Vùng mô hoặc cơ quan (tim, não, thận, võng mạc mắt, động mạch chi tức các động mạch nuôi chân, tay…) được tưới máu nuôi bởi động mạch ấy sẽ bị “thiếu máu”. Cụ thể, nếu một nhánh động mạch não bị tắc, vùng não tương ứng với động mạch bị tắc đó không được tưới máu nuôi và sẽ chết, gọi là nhồi máu não, làm cho bệnh nhân bị đột quỵ. Một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành – tức động mạch nuôi cơ tim – bị hẹp, tắc sẽ gây thiếu máu cục bộ cơ tim, biểu hiện là cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp, đột tử do tim hoặc suy tim. Động mạch chi, thường là chi dưới, nếu bị tắc cấp tính, đột ngột thì gây hoại tử tắc mạch cấp, biểu hiện là đoạn chi đó đau dữ dội, tím ngắt và lạnh. Nếu tắc mạn tính, từ từ thì gây tê rần, giảm cảm giác, mát lạnh, yếu đoạn chi đó hoặc gây ra vết loét mãi không lành. Biến chứng thường là nhiễm trùng nhiễm độc nặng do mô hoại tử, hoặc tàn phế, mất chức năng, phải cắt bỏ chi. Những người sau đây dễ bị xơ vữa động mạch: người bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, người có tăng cholesterol trong máu không được điều trị đúng, người hút thuốc lá, người lớn tuổi (nam trên 45 tuổi, nữ đã mãn kinh), những người béo phì hoặc thừa cân và những người có lối sống thụ động ít vận động thể lực, những người trong gia đình có thân nhân trực hệ (cha hoặc mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc bệnh tim sớm (bị nhồi máu cơ tim hoặc chết do bệnh tim trước 55 tuổi đối với nam và trước 65 tuổi đối với nữ). Điều trị phải kết hợp nhiều phương pháp sau:

- Điều trị tích cực các bệnh gây xơ vữa động mạch như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu. Cụ thể phải kiểm soát tốt huyết áp ở người bệnh tăng huyết áp (hạ huyết áp xuống dưới 140/90 mm Hg), kiểm soát tốt đường huyết ở người bệnh đái tháo đường (hạ đường huyết lúc đói xuống dưới 126 mg/dl) và kiểm soát tốt cholesterol ở người có tăng cholesterol máu (hạ cholesterol LDL xuống dưới 100 mg/dl). Phải kiên quyết bỏ hẳn thuốc lá nếu có hút.

- Tích cực giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì bằng cách ăn kiêng và tăng cường vận động thể lực. Thực hiện lối sống lành mạnh bao gồm vận động thể lực đều đặn bằng những môn phù hợp (đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội ít nhất 30 phút mỗi ngày), ăn ít muối, ít chất béo và nhiều rau quả.

- Quyết định việc sử dụng thuốc hay không, chọn lựa thuốc và phối hợp loại thuốc nào, liều lượng, cách dùng phải do bác sĩ chuyên khoa xem xét tùy vào từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho các thuốc điều trị các bệnh lý thường đi cùng với tăng huyết áp như: đái tháo đường type 2, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng mỡ máu, cũng như các thuốc kháng kết tập tiểu cầu như aspirin hoặc clocardigel (biệt dược Plavix) để dự phòng đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc hoặc đổi thuốc, bỏ thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Điều trị cụ thể trong trường hợp mẹ cô còn phải kết hợp với vật lý trị liệu phục hồi chức năng và hướng dẫn bà chăm sóc bàn chân đúng cách. Cô có thể đưa bà đến các bệnh viện có phòng khám tim mạch (BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định...) để được khám và tư vấn chi tiết hơn.

Chúc cô thực hiện được ý nguyện chăm sóc thân mẫu.

0 Response to "Chữa bệnh xơ vữa mạch máu dưới bàn chân thì trong bao lâu và có di chứng dì không ?"

Đăng nhận xét