Bị cao huyết áp vô căn uống thuốc Losartan, Captoprin có thực sự đúng không ?

Đầu tháng năm vừa qua có đi khám ở Bệnh Viện (BV) Mỹ Phước - Bình Dương và BV 115, được chẩn đoán cao huyết áp vô căn (mỏi tay chân, khi làm việc quá sức tay chân bị liệt, không cử động được trong 2 ngày), uống thuốc Losartan, Captoprin. Dùng thuốc trên kết hợp vật lý trị liệu sau 2 ngày từ khi bị liệt đã bình phục lại hoàn toàn. Hỏi như vậy có nguy cơ bị bệnh huyết khối không?

Theo câu hỏi ông Sơn, BS tư vấn nghĩ ông đã bị tai biến mạch máu não, còn gọi là đột quỵ. Nói cách khác, ông đã bị biến chứng huyết khối xơ vữa động mạch mà động mạch bị tổn thương là mạch máu não, chứ không còn là nguy cơ nữa. Những người dễ bị đột quỵ nhất là người lớn tuổi (nam giới trên 45 tuổi, phụ nữ đã mãn kinh); bị tăng huyết áp; tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim như hẹp 2 lá, rung nhĩ, tăng mỡ máu. Những người thường xuyên hút thuốc lá, nghiện rượu, bị béo phì, ít vận động… cũng được xếp vào nhóm dễ bị đột quỵ. Tuổi cao và tăng huyết áp là 2 yếu tố thúc đẩy tình trạng xơ vữa động mạch tạo thành mảng xơ vữa bám trên thành động mạch. Khi mảng xơ vữa này bị vỡ, tại chỗ vỡ xuất hiện cục máu đông (còn gọi là huyết khối). Huyết khối có thể gây tắc hoàn toàn động mạch não. Vùng não tương ứng với động mạch bị tắc không được tưới máu nuôi và sẽ chết. Đột quỵ kiểu này gọi là nhồi máu não. Tăng huyết áp lâu ngày còn làm cho thành mạch máu não yếu đi và dễ vỡ, máu từ lòng mạch tràn ra ngoài, chèn vào mô não xung quanh, gây ra đột quỵ kiểu xuất huyết não. Đột quỵ do xuất huyết não thường xảy ra ở người tăng huyết áp không điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Triệu chứng của đột quỵ là bệnh nhân đột ngột bị yếu hoặc liệt hẳn một nửa bên người, kèm với méo miệng, nói đớ do yếu hoặc liệt nửa mặt cùng bên. Bệnh nhân cũng có thể có những triệu chứng khác như nói khó, nuốt khó, rối loạn thị giác, mất thăng bằng. Trường hợp nặng, tổn thương não quá lớn, bệnh nhân có thể bị rối loạn tri giác, lơ mơ hoặc hôn mê, thậm chí có thể ngưng thở và tử vong rất nhanh. Một số trường hợp nhẹ, vận động tay chân phục hồi lại hoàn toàn sau khoảng thời gian 24 – 48 giờ, tuy nhiên trong đa số các trường hợp bệnh nhân bị yếu hoặc liệt vận động kéo dài.

Như vậy, để phòng ngừa tai biến mạch máu não, chúng ta cần điều trị sao cho bệnh nhân bị tăng huyết áp đạ được huyết áp bình ổn. Tôi nghĩ ông cần được điều trị phòng ngừa biến chứng huyết khối xơ vữa động mạch tích cực hơn nữa bằng cách phối hợp nhiều biện pháp:

  • Nếu có hút thuốc lá nhất thiết phải bỏ thuốc.
  • Người thừa cân hoặc béo phì phải cố gắng giảm cân bằng cách ăn kiêng và tăng cường vận động thể lực. Chế độ ăn ít muối, ít chất béo và nhiều rau quả.
  • Phải điều trị thật tích cực các bệnh gây xơ vữa động mạch như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu. Cụ thể phải kiểm soát tốt huyết áp (phải hạ huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mmHg và huyết áp tâm trương xuống dưới 90 mmHg nếu người bệnh không có đái tháo đường, huyết áp tâm thu xuống dưới 130 mmHg và huyết áp tâm trương xuống dưới 80 mmHg nếu người bệnh có đái tháo đường), kiểm soát tốt đường huyết nếu người bệnh có đái tháo đường (điều chỉnh đường huyết lúc đói xuống dưới mức 126 mg/dL), kiểm soát tốt cholesterol nếu người bệnh có tăng cholesterol máu (hạ LDL cholesterol máu xuống dưới mức 100 mg/dL).
  • Các thuốc kháng tiểu cầu uống như aspirin và clopidogrel (biệt dược Plavix) rất hữu ích trong việc phòng ngừa đột quỵ và đột quỵ tái phát, vì các thuốc này phòng ngừa thành lập huyết khối xơ vữa động mạch.

Điều trị và phòng ngừa biến chứng của xơ vữa động mạch thường lâu dài, nếu không muốn nói là điều trị suốt đời. Ông cần được theo dõi định kỳ và cẩn thận bởi một BS chuyên khoa tim mạch để được hướng dẫn vế chế độ sinh hoạt và ăn uống cũng như được kê toa phù hợp để duy trì tình trạng ổn định cho tim và não, trong đó có các thuốc giúp ngăn chận sự thành lập huyết khối xơ vữa động mạch. Bệnh nhân nên kiên nhẫn và tuân thủ tốt y lệnh điều trị. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc hoặc ngưng thuốc mà không tham khảo ý kiến BS.

Chúc ông mau bình phục và an tâm điều trị.

0 Response to "Bị cao huyết áp vô căn uống thuốc Losartan, Captoprin có thực sự đúng không ?"

Đăng nhận xét