Giúp tim luôn khỏe

Bệnh tim mạch và bệnh đứt mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây tử vong đến độ báo động.

Bưởi làm giảm mỡ trong máu

Theo BS Đào Phương Anh, Khoa Điều trị Bệnh viện Tim Hà Nội, để phòng vệ cho bản thân trước khi bị bệnh tim mạch tấn công, mỗi người nên tuân thủ chế độ ăn uống khoa học để giúp trái tim luôn khỏe mạnh.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ thực phẩm ngày càng nhiều calo như: thịt, mỡ, động vật, bơ sữa, đường gây bệnh béo phì. Một nguyên nhân rất quan trọng khác là do ít vận động nhưng lại bị sức ép công việc quá lớn, thường xuyên bị căng thẳng. Muốn ngừa bệnh tim mạch, trước hết ta phải biết nhận diện những yếu tố gây bệnh như: thuốc lá, cao mỡ trong máu, cao huyết áp, thiếu hoạt động, béo phì và đái tháo đường.

Để bảo vệ tim mạch, không được ăn quá nhiều, quá thừa calo. Nên giới hạn chất béo bão hòa, nguồn chất béo này chủ yếu là chất béo động vật như: mỡ heo, bơ, mỡ bò và kem sữa bò vì dễ làm tắc động mạch. Gia tăng lượng chất béo như dầu ôliu, dầu cải, dầu nành, có tác dụng làm hạ mức cholesterol. Nên ăn nhiều rau có chất xơ, trái cây tươi. Không ăn mặn (lượng muối ăn nên là 6g-8g/ngày). Hạn chế các thức ăn nhiều đường (bánh, kẹo, mứt…). Không uống rượu mạnh, cà phê đặc với khối lượng nhiều.

Cần chú ý những loại thực phẩm tốt cho tim mạch như cá, thịt gà, thịt bò, rau xanh, đậu Hà Lan, đậu nành, đậu đen, các loại ngũ cốc nguyên hạt, nước cam, trà xanh, rượu vang nho… Các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng vi lượng. Chất xơ còn giúp hoạt động tiêu hóa dễ dàng, tránh được táo bón. Một số trái cây còn chứa các chất có tác dụng tốt với bệnh tim mạch như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

(Theo NLĐ)

Huyết áp thấp cũng đừng quá lo

Phần lớn bệnh nhân đến khám tại khoa tim mạch của các bệnh viện và phòng khám đa khoa đều có cao huyết áp. Tuy nhiên, có một số không nhỏ thường xuyên bị huyết áp thấp.

Huyết áp trung bình của mỗi người dao động 110-120mHg với huyết áp tối đa và 70-80mmHg với huyết áp tối thiểu. Khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg, bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ huyết áp. Có hai tình trạng hạ huyết áp:

Hạ huyết áp cấp: hay xảy ra với những bệnh nhân cấp cứu vì chấn thương gây mất máu nhiều, tiêu chảy mất nước, suy tim hay bệnh nội khoa khác. Những bệnh nhân này phải được nhập viện cấp cứu và tùy nguyên nhân gây hạ huyết áp mà thầy thuốc cho chỉ định điều trị phù hợp.

Hạ huyết áp mãn tính: Ở những người này huyết áp thường xuyên thấp hơn 100mmHg đối với huyết áp tối đa. Bệnh nhân có thể có hoặc không có bất kỳ sự khó chịu nào. Rất nhiều người chỉ phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay được đo huyết áp khi đi khám một bệnh không liên quan đến tim mạch.

Sống thọ hơn

Hạ huyết áp có nguy hiểm không? Tất nhiên, nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ huyết áp cấp rất nguy hiểm và cần nhập viện để điều trị trong phòng săn sóc đặc biệt.

Còn tình trạng hạ huyết áp mãn tính hầu như không có gì quá nguy hiểm cả. Thậm chí có người cho rằng những người bị huyết áp thấp còn sống thọ hơn những người có huyết áp bình thường. Trong thực hành bệnh viện hằng ngày, chúng tôi cũng như nhiều thầy thuốc khác đều có chung nhận định như vậy.

Những người thật sự bị huyết áp thấp mãn tính thường phàn nàn với mọi người và thầy thuốc là hay buồn ngủ, mỏi mệt, chóng mặt, hoa mắt hoặc thỉnh thoảng bị ngất xỉu. Đặc biệt là khi thay đổi tư thế đột ngột. Các triệu chứng này xuất hiện do giảm lưu lượng máu ở não, tim, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.

Tình trạng hạ huyết áp mãn tính hay xảy ra ở những người làm việc quá sức, bị stress, rối loạn nội tiết, suy dinh dưỡng, đái tháo đường hay bị bệnh thần kinh ngoại vi… Do đó, nếu tình trạng hạ huyết áp mãn tính kéo dài và gây nhiều khó chịu, thậm chí phải nhập bệnh viện cấp cứu, nên đi khám ở những thầy thuốc chuyên khoa tim mạch và nội tiết để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị triệt để.

Sống chậm lại

Với người bệnh hạ huyết áp mãn tính, việc đầu tiên là có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bạn sống với tốc độ quá nhanh, nên điều chỉnh nhịp sống và làm việc phù hợp với đồng hồ sinh học của bản thân mình. Nên ăn các loại thức ăn giàu năng lượng, giàu vitamin và các yếu tố vi lượng như: vitamin A, kẽm, manhê… Có người cho rằng bệnh nhân ăn mặn một chút để làm tăng khối lượng tuần hoàn trong cơ thể nhờ tác dụng giữ nước của muối. Tuy nhiên, cũng rất nguy hiểm vì sẽ gây tăng huyết áp khi nằm.

Chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe như đi bộ, bơi lội hay tập yoga cũng rất tốt cho bệnh nhân hạ huyết áp mãn tính. Tuy nhiên khi tập thể thao rất cần sự điều độ, khi nào thấy mệt hay có các triệu chứng khó chịu nên nghỉ ngơi ngay. Việc uống đủ nước, nhất là khi trời nắng nóng cũng góp phần làm giảm nguy cơ hạ huyết áp ở một số người.

Và điều rất quan trọng là khám kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi sáu tháng để phát hiện những trục trặc về sức khỏe, từ đó có hướng điều chỉnh ngay từ lúc đầu.

Cứ đến 18g30 từ thứ hai đến thứ bảy, gần 100 phụ nữ giáo xứ Thánh Mẫu, P.7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng lại cùng nhau tập dưỡng sinh. Phong trào tập dưỡng sinh của phụ nữ giáo dân Thánh Mẫu hình thành từ năm 2007 khi cụ Vương Đình Cam – một người trong khu phố – mời bác sĩ lão khoa về nói chuyện và vận động phụ nữ giáo dân tập dưỡng sinh rèn luyện sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật. Theo các thầy thuốc, tập dưỡng sinh cũng có lợi cho người huyết áp thấp.

(Theo TTO)

Hồi sinh cơ tim hoại tử bằng tế bào gốc

Công nghệ ứng dụng tế bào gốc vào điều trị đang có những bước phát triển mạnh mẽ, mang lại những bước đột phá quan trọng cho nhiều chuyên ngành y học trong đó có các bệnh lý tim mạch. Bộ Môn Tim mạch – Đại học Y Hà Nội và Viện tim mạch Việt Nam kết hợp với Khoa Huyết học Bệnh viện 108 là những đơn vị đầu tiên ở nước ta đã có những thành công đầu tiên khi ứng dụng tế bào gốc điều trị cho bệnh nhân bị tổn thương vùng cơ tim gây suy tim sau khi bị nhồi máu, mở ra cơ hội cho người bệnh và khẳng định đây là một hướng đi cần được phát triển.

"Con tim đã vui trở lại"

Những cơn đau thắt ngực dữ dội đã khiến ông Nguyễn Ngọc S., 68 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội phải đến Viện tim mạch Việt Nam trong tình trạng cấp cứu. Các bác sĩ cho biết đây là một trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp và chỉ định bệnh nhân phải đặt stent nong động mạch vành (ĐMV). Tuy được cứu sống sau cơn bệnh hiểm nghèo bằng can thiệp và dùng thuốc song vùng cơ tim bị nhồi máu vẫn hoạt động kém, người bệnh có những dấu hiệu suy tim, phân số tống máu dưới 40%. Nếu không có biện pháp điều trị hữu hiệu thì sức khoẻ của người bệnh khó được cải thiện.

Trong thời gian đó, các bác sĩ Bộ môn Tim mạch – Đại học Y Hà Nội và Viện tim mạch Việt Nam kết hợp với Khoa Huyết học- Bệnh viện 108 bắt đầu ứng dụng kỹ thuật tân tạo cơ tim từ tế bào gốc, ông S. là một trong sáu bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp này. Sau gần 1 năm điều trị bằng tế bào gốc, các tế bào cơ tim bị nhồi máu của ông S. như được sống lại, các chỉ số hoạt động của tim trở lại bình thường. Hiện ông S. đã có thể tiến hành những hoạt động thể lực hằng ngày như đi bộ, chạy bước nhỏ, leo cầu thang mà không bị khó thở, các chỉ số hoạt động tim mạch đã được phục hồi.

Bơm tế bào gốc qua đường ống thông can thiệp tim mạch. Ảnh: PV

Mang lại cho người bệnh thêm cơ hội được cứu sống

TS. Phạm Mạnh Hùng- Bộ môn Tim mạch- Đại học Y Hà Nội/ Viện tim mạch Việt Nam, một trong những người trực tiếp thực hiện kỹ thuật này cho biết, đây là kỹ thuật điều trị mới nhất trên thế giới cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi. Các bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam là những người bị nhồi máu cơ tim, mặc dù đã được điều trị nội khoa và can thiệp nhưng chức năng hoạt động của vùng cơ tim bị nhồi máu vẫn không đảm bảo, phân số tống máu của tim thấp, có dấu hiệu suy tim. Tiêu chuẩn để lựa chọn bệnh nhân cho ứng dụng ban đầu kỹ thuật này là những người dưới 70 tuổi, phân số tống máu(EF) trong khoảng từ 30-40%.

Các bác sĩ lấy khoảng 200 ml dịch tuỷ xương, tách lấy còn 10ml dung dịch chứa những tế bào gốc không chọn lọc, dùng ống thông như thủ thuật của tim mạch can thiệp bơm dung dịch tế bào gốc vào tận vùng cơ tim bị tổn thương. Bóng nong ĐMV được bơm căng để gây tắc tạm thời ĐMV- thủ phạm gây nhồi máu cơ tim, sau đó truyền tế bào gốc qua nòng của quả bóng nong nói trên nhằm kéo dài tối đa thời gian tiếp xúc giữa các tế bào gốc và mạng lưới vi mạch của ĐMV thủ phạm. Sau 6 tháng đến 1 năm điều trị bằng kỹ thuật này cả 6 bệnh nhân đầu tiên đều không có biến chứng, các kết quả trên lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm tim, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch bước đầu đều cho kết quả bệnh được cải thiện tùy mức độ.

Theo TS. Phạm Mạnh Hùng, tế bào gốc không chọn lọc từ tuỷ xương khá phù hợp và tiện dụng để cấy vào cơ tim nhờ việc dễ ứng dụng (về kỹ thuật) và khả năng phát triển theo nhiều kiểu khác nhau (theo đường trung mô) để hình thành tế bào cơ trơn, cơ tim, mạch máu non – là ba loại tế bào chủ chốt của quả tim. Hiện nay trên thế giới, tế bào gốc được ứng dụng điều trị ở nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau như nhồi máu cơ tim cấp; bệnh ĐMV mạn tính không còn khả năng nong, mổ bắc cầu; suy tim mạn tính; giãn cơ tim; bệnh động mạch ngoại vi không thể can thiệp… Nguồn lấy tế bào gốc để điều trị cũng rất phong phú, có thể lấy từ tủy xương cũng có thể lấy từ nguyên bào cơ vân (myoblast), tế bào cơ tim gốc, nguyên bào phôi, tế bào gốc từ máu ngoại vi… Cách thức tiến hành đưa tế bào gốc vào quả tim cũng qua nhiều đường khác nhau, có thể là truyền qua đường mạch máu, tiêm trực tiếp vào thành tâm thất hoặc tiêm trực tiếp vào vùng cơ chi dưới bị tổn thương…

Tại Thái Lan, chi phí cho mỗi ca bệnh dùng kỹ thuật này là 20.000 USD, còn tại Mỹ thì đắt hơn vài lần, ở nước ta chi phí trung bình mỗi ca là 10.000 USD. Các bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam hiện đang được điều trị miễn phí (vì đây là một dự án thuộc một nhánh nằm trong đề tài khoa học cấp nhà nước về ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý tim mạch và cơ quan tạo máu của Trường đại học Y Hà Nội). Quá trình lấy tế bào gốc và sàng lọc phải được thực hiện bởi các chuyên gia về huyết học tại Bệnh viện 108, do vậy không chỉ khó khăn về kinh phí mà muốn hình thành được một quy trình điều trị hoàn chỉnh phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa tim mạch và huyết học.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kỹ thuật điều trị bằng tế bào gốc đang khẳng định những thành công ban đầu đầy hứa hẹn, mở ra nhiều cơ hội cho những bệnh nhân tim mạch hiểm nghèo.

(Theo SK&ĐS)

Hoạt động thể lực sau nhồi máu cơ tim

Tất cả các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim (NMCT), phẫu thuật tim, can thiệp động mạch vành hay bệnh tim hoặc mạch máu khác nên tham gia một chương trình phục hồi chức năng tim và phòng bệnh phù hợp. Các chương trình này giúp người bệnh tăng dần mức độ hoạt động thể lực người bệnh. Tuy nhiên người bệnh nên tập luyện như thế nào là phù hợp và cần chú ý những gì để có được hiệu quả tập luyện tốt nhất?

Hoạt động thể lực sau NMCT và phẫu thuật tim nên thế nào?

Sau NMCT và phẫu thuật tim là những giai đoạn sức khỏe bị đe dọa trầm trọng mà người bệnh đã vượt qua, bên cạnh chế độ dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi thì hoạt động thể lực là yêu cầu không thể thiếu giúp người bệnh trở lại cuộc sống hằng ngày tốt hơn. Thông thường bệnh nhân nên trở lại với các hoạt động bình thường của mình sau 3-4 tuần. Mức độ tập luyện phụ thuộc vào thể loại hoạt động thể lực mà người bệnh ưa thích, tình trạng sức khỏe và sự phù hợp của các hoạt động thể lực này với cuộc sống thường ngày.

Nên đạt được ít nhất 30 phút tập luyện thể lực với mức độ trung bình (ví dụ như đi bộ với bước đi dài) mỗi ngày. Hãy tự tìm cho mình một mức độ hoạt động thể lực phù hợp nhất, nếu nói chuyện trong khi luyện tập thể lực mà không bị thở gấp thì mức độ hoạt động thể lực đó là phù hợp. Các hình thức tập luyện như chạy nhanh, chạy đường dài, tập tạ có thể làm tăng huyết áp, do đó người bệnh nên tránh.

Làm thế nào để tăng dần các hoạt động thể lực?

Tận dụng tất cả những điều kiện có thể đi bộ được thay cho các hình thức khác như leo cầu thang bộ thay cho đi thang máy, đi bộ đến các cửa hàng, chợ, nơi làm việc, nếu các địa chỉ này ở trong khu vực người bệnh sinh sống mà không cần đến các phương tiện khác như  ôtô hay xe máy. Trong quá trình tập luyện nên chọn mặc quần áo và đi giầy phù hợp với thời tiết và hoạt động thể lực. Nếu trời quá nóng, ẩm hay lạnh, hãy hoãn việc tập luyện lại cho đến khi thời tiết trở nên dễ chịu hơn. Không nên tập luyện ngay sau khi ăn, hay khi cảm thấy không khỏe.

Nếu tập luyện trong một thời gian dài có thể bị mất rất nhiều nước vì ra mồ hôi, phải bù lại lượng nước bị mất bằng cách uống nước trong và sau khi tập luyện. Muốn bắt đầu một chương trình luyện tập nặng hơn cần hỏi bác sĩ trước khi tiến hành luyện tập.

Đau ngực hay khó chịu ở ngực khi tập luyện

Phải luôn có cảm giác thoải mái trong khi tập luyện. Nếu các hoạt động thể lực của ngày hôm trước khiến cơ thể mệt mỏi thì nên nghỉ một ngày để hồi phục lại sức khỏe hoàn toàn. Nếu bị chóng mặt, thở gấp, nhịp tim không đều, hay đau ngực thì hãy đi chậm lại hoặc dừng hẳn lại cho đến khi các dấu hiệu trên qua đi. Các cơn đau thắt ngực hay khó chịu ở ngực xuất hiện khi tập luyện  thì  nên nghỉ ngơi, ngậm hay xịt thuốc nitroglycerin dưới lưỡi và hãy báo ngay với bác sĩ điều trị để có được những điều chỉnh kịp thời. Nếu đau ngực hay cảm giác khó chịu ở ngực không đỡ, hãy dùng lại các thuốc trên sau 5 phút. Các dấu hiệu trên không hết hoàn toàn trong vòng 10-15 phút sau khi đã nghỉ ngơi và dùng thuốc, có thể bị NMCT tái phát cần đến các trung tâm cấp cứu ngay lập tức.

Hoạt động thể lực đều đặn kết hợp với lối sống lành mạnh có thể hạn chế bệnh tái phát

Hoạt động thể lực đều đặn chỉ là một phần trong phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng cách thay đổi lối sống. Để phát huy hiệu quả của hoạt động thể lực, người bệnh sau NMCT  và phẫu thuật tim cần thực hiện tốt những yêu cầu sau:

Ngừng hút thuốc lá là một yếu tố quan trọng nhất có thể làm giảm nguy cơ bị tái phát những biến cố tim do mạch vành. Lợi ích của việc ngừng hút thuốc lá gần như đạt được tức thì. Sau 1 năm cai thuốc lá, nguy cơ bị cơn NMCT tái phát sẽ giảm đi một nửa.

Để làm giảm nguy cơ tim mạch, điều quan trọng là phải hạn chế ăn những thức ăn có chứa chất béo bão hòa được thấy trong các sản phẩm sữa, pho mát, thịt mỡ, bơ, dầu dừa và dầu cọ và hầu hết các thức ăn nhanh, các loại bánh như bánh bích quy, bánh gatô. Thay thế bằng các thức ăn có chứa một lượng trung bình các chất béo đa chuỗi và đơn chuỗi không bão hòa như dầu ô lưu, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu lạc. Lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau xanh, hoa quả và một số loại đậu, các thức ăn làm từ ngũ cốc như bánh mỳ, mỳ sợi, bánh đa, bánh phở và ăn một lượng trung bình thịt nạc, thịt gia cầm, cá và ăn hạn chế các sản phẩm có mỡ.

Béo phì hay béo bụng là một yếu tố nguy cơ bị bệnh động mạch vành. Để có được một trọng lượng cơ thể phù hợp, cần phải có được sự cân bằng về năng lượng mà ăn hoặc uống vào với năng lượng tiêu hao qua việc hoạt động thể lực. Để giảm cân, cần phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn qua các hoạt động thể lực và ăn ít năng lượng hơn.

(Theo SKDS)

Đột quỵ nhẹ có thể trở thành nặng trong vòng vài giờ

Khoảng phân nửa số người bị đột quỵ trở nặng ngay sau khi bị một biến cố về não nhẹ hơn trước đó, chẳng hạn như một cơn bùng phát thiếu máu cục bộ ngắn ngủi hay "đột quỵ nhỏ", xảy ra trong vòng 24 giờ sau biến cố nhỏ này, một nghiên cứu mới phát hiện.

Thông điệp ở đây dành cho những ai bị TIA là "hãy tìm kiếm sự chăm sóc y khoa ngay lập tức, đặc biệt nếu bạn hoặc đang yếu hoặc đang bị rối loạn lời nói đã kéo dài hơn 10 phút", tác giả thâm niên của cuộc nghiên cứu- tiến sĩ Peter M. Rothwell, giáo sư về Thần kinh học lâm sàng tại Đại học Oxford ở Anh- cho biết.

"Đừng đợi cho đến ngày hôm sau – sẽ có thể là quá trễ", ông nói.

Rothwell và các đồng nghiệp của mình đã xem xét các báo cáo y khoa của 1.247 người bị TIA- từ có nghĩa là bị sự tắc nghẽn dòng chảy của máu trong một lúc ở động mạch não.

Trong số những người này, 35 người đã trải qua các cơn đột quỵ tái phát trong vòng 34 giờ kế tiếp. Trong nhóm đó, 1,2% các cơn đột quỵ thứ hai đã xảy ra trong vòng 6 giờ, 2,1% là trong vòng 12 giờ và 5,1% là trong vòng 24 giờ, nhóm nghiên cứu phát hiện.

"Khoảng phân nửa các ca đột quỵ tái phát trong 7 ngày sau khi TIA xuất hiện, là trong 24 giờ đầu tiên sau khi bệnh nhân có nhu cầu chẩn đoán cấp cứu", các nhà nghiên cứu viết.

Sự đánh giá đó nên xem xét về các yếu tố nguy cơ đột quỵ được hình thành tốt "ABCD2", Rothwell phát biểu. Chúng bao gồm:

. A: (age) tuổi trên 60.

. B: (blood pressure) huyết áp đo được cao.

. C: (clinical symptoms) các triệu chứng lâm sàng cho thấy sự suy yếu về thể lực.

. D: (duration) thời gian kéo dài của TIA.

"Những bệnh nhân nên được kiểm tra và điều trị như khi cấp cứu, tất nhiên là với những người có chỉ số ABCD2 cao", Rothwell nói.

Trong khi TIA và các đột quỵ nhỏ được biết đến nhiều như là các dấu hiệu cảnh báo cho những vấn đề trầm trọng hơn trước mắt thì "không có nghiên cứu nào chỉ ra mức độ của nguy cơ trong vòng vài giờ- ví dụ như TIA và đột quỵ nhỏ là một trường hợp khẩn cấp thật sự về thần kinh học", ông cho biết.

Các hành động tức thì có thể làm giảm nguy cơ, Rothwell nói. "Chúng tôi đã in một bài báo trong tờ Lancet vào tháng 11-2007 để xem xét về các lợi ích của việc điều trị khẩn cấp so với việc điều trị tiêu chuẩn", ông nói. "Chúng tôi đã chỉ ra rằng nguy cơ về đột quỵ nặng có thể được giảm đi đến 80% đơn giản chỉ bằng việc điều trị tiêu chuẩn khởi đầu cũng như biện pháp điều trị khẩn cấp- aspirin kết hợp hoặc không kết hợp với clopidogrel [Plavix], liệu pháp statin, sự làm giảm huyết áp".

Clopidogrel và aspirin đều hướng mục tiêu vào các huyết khối có thể gây ra cơn đột quỵ do làm tắc nghẽn động mạch não. Các statin là những thuốc như Crestor, Lipitor và Zocor có tác dụng làm giảm mức cholesterol máu.

Các hình ảnh của não có thể minh họa tại sao nguy cơ tái phát có thể là cao nhất trong vài giờ sau khi có TIA hay một cơn đột quỵ nhỏ, Rothwell chỉ ra. "Khi chúng tôi thực hiện sàng lọc não truyền dịch (dòng máu) ở những bệnh nhân này, chúng tôi đôi khi phát hiện thấy họ bị bít một động mạch não bằng một cục máu đông nhưng não vẫn còn sống dựa vào dòng máu không chính yếu chảy đến từ các mạch máu khác", ông nói. "Sau một vài giờ, dòng máu không trực tiếp này có thể ngừng lại và ảnh hưởng đến các vùng não, sau đó gây chết não- và họ bị đột quỵ".

Tiến sĩ Howard S. Kirshner, phó chủ tịch khoa Thần kinh học và là giám đốc Trung tâm đột quỵ Vanderbilt của Đại học Trung tâm y khoa và là người phát ngôn cho Hội học thuật về thần kinh học của Hoa Kỳ, đồng ý rằng, "tất cả điều này đều ủng hộ cho ý kiến rằng TIA là một tình huống y khoa khẩn cấp cần được sự chăm sóc y tế ngay lập tức".

"Trong khoa cấp cứu, bệnh nhân TIA không nên được chuyển ngay về nhà mà cần được giữ lại theo dõi và kiểm tra", ông nói. "Họ có thể được cho về nhà nếu các kết quả xét nghiệm là âm tính và họ đã khởi đầu một chế độ ngăn ngừa cơn đột quỵ thứ phát".

Tiến sĩ Daniel Laskowitz, trợ lý giáo sư về thần kinh học tại Đại học Duke, cho biết rằng cuộc nghiên cứu là quan trọng vì nó đánh dấu sự nhấn mạnh về phòng ngừa trong y học đột quỵ.

Một khi cơn đột quỵ xuất hiện, các biện pháp điều trị sẽ bị giới hạn, vậy nên điều mà các nỗ lực cần hướng đến chính là ngăn ngừa đột quỵ, Laskowitz cho biết. "Và điều này bổ sung thêm vào câu nói rằng nếu bạn bị TIA, bạn đang có nguy cơ rất cao bị đột quỵ".

"TIA nên là một cảnh báo mạnh. Nó không phải là thứ cần được kiểm tra vào tuần sau", Laskowitz nhấn mạnh. "Có những sự can thiệp rõ ràng mà chúng ta có thể tiến hành để ngăn chặn cơn đột quỵ. Vậy nên điều này là một ứng dụng thực tiễn rõ ràng về cách thức chúng ta kiểm soát đột quỵ".

(Theo HealthDay)

Duy trì sự khỏe mạnh của tim mạch ở tuổi già

Các bệnh lý tim mạch là mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe người cao tuổi. Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, vữa xơ động mạch… luôn gia tăng tỷ lệ thuận với tuổi tác. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nói trên, giúp người cao tuổi sống khỏe và có ích hơn.

Điều chỉnh hàm lượng cholesterol máu từ thực phẩm

Hàm lượng cholesterol toàn phần trong máu tăng là một trong các nguyên nhân gây ra các bệnh lý tim mạch. Có thể điều chỉnh hàm lượng này bằng cách lựa chọn những thực phẩm như:

Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan hoặc không hòa tan đều có lợi cho sức khỏe tim mạch. Sử dụng hằng ngày những thứ này có thể giảm huyết áp, hạn chế quá trình xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ ung thư ruột già, là cách hiệu quả giảm lượng chất béo trong chế độ ăn. Bằng chứng khoa học về tác dụng làm giảm cholesterol của chất xơ mạnh đến nỗi nhiều nước trên thế giới cho phép các hãng chế biến thức ăn chứa nhiều chất xơ hòa tan được ghi lên sản phẩm, như một khuyến cáo dành cho bệnh nhân có nguy cơ tim mạch hay đã mắc bệnh. Nguồn của các loại chất xơ hòa tan được có từ các loại đậu, lúa mạch, các trái cây họ chanh, táo và ngô. Các chất xơ không hòa tan rất quan trọng để tạo khối phân và đào thải nhiều chất có hại cho cơ thể, có lợi cho hệ tim mạch.

Nguồn chất béo không bão hòa từ trái ôliu, cá, dầu vừng (mè), lạc, quả óc chó, quả hồ đào… các loại dầu từ quả này khi tham gia vào quá trình tiêu hoá sẽ có lợi cho tim mạch. Chất béo không bão hòa dạng đơn làm tăng cholesterol tốt mà không làm tăng cholesterol toàn phần. Đậu nành từ lâu là một loại thực phẩm quý cho bệnh tim mạch. Không chỉ cung cấp chất béo không bão hoà mà nó còn chứa các chất chống ôxy hóa gọi là isoflavones, đây là một chất rất quan trọng làm chậm quá trình vữa xơ động mạch, rối loạn lipid, làm săn chắc và dẻo dai cơ tim. So với các loại protein từ động vật thì đậu nành không chỉ đáp ứng đầy đủ protein mà còn chứa nhiều axit amin  hơn các thực phẩm động vật. Do đó các người bệnh tim có thể sử dụng đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành.

Các vitamin nhóm B có trong nhiều loại thức ăn, trong đó folate hay còn gọi là axit folic (B9) và B6 quan trọng đến nỗi chúng được các chuyên gia tim mạch trên thế giới xếp vào hàng "top ten" của các chất có lợi cho tim mạch. Vitamin B9 và B6 có thể hạ nồng độ homocysteine máu, vì nồng độ chất này trong máu cao có thể gây ra những cơn đau tim. Bởi vậy, ăn những thực phẩm có chứa vitamin B9 và B6 là tốt cho tim mạch. Các thức ăn có nhiều vitamin B9 này là những rau lá xanh, các loại đậu đỗ, nước cam. Vitamin B6 có nhiều trong thịt gà, thịt bò.

Hạn chế ăn các loại thịt, cá xuống còn 150- 200 gam/ngày, ăn không quá 3 quả trứng /tuần và phải ăn cách ngày. Không ăn thịt mỡ, phủ tạng động vật, da của các loại da cầm, thay thế bằng đạm thực vật như đậu tương…, tăng cường ăn rau quả. Tránh các thức ăn nhanh như bánh hamburger, bánh có nhân thịt băm, thịt rán, bánh gatô. Uống sữa đã tách bơ, hạn chế ăn phomat, kem.

Tăng cường vận động

alt

Xơ vữa động mạch.

Các công trình nghiên cứu cho thấy, trái tim của những người 60 tuổi nếu tập luyện thường xuyên hoạt động như trái tim của người 40 tuổi mà không tập luyện gì. Các bài tập rèn sức bền (đi bộ sức khỏe 5 – 7 buổi/tuần, 30 – 60 phút/buổi; chạy sức khỏe 2 – 3 buổi/tuần, 20 – 40 phút/buổi, tập bơi 3 buổi/tuần, tốc độ và thời gian tập tùy sức) sẽ cải thiện tuần hoàn và chuyển hóa của tim (phát triển hệ thống mao mạch, tăng dự trữ glycogen của cơ tim…) giúp bảo vệ tim trước các stress gây thiếu ôxy (căng thẳng thần kinh, hoạt động thể lực căng thẳng…); giảm nhịp tim, giảm huyết áp, tim hoạt động tiết kiệm và hiệu quả trong trạng thái yên tĩnh cùng như khi tập luyện; tăng cường chuyển hóa lipid, dẫn đến tăng khối lượng cơ bắp, giảm khối lượng mỡ trong cơ thể, điều chỉnh cân nặng.

Điều chỉnh hành vi: bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia, kiểm soát stress. Hút thuốc có thể làm giảm lượng HDL (cholesterol có ích) tới 15%.

Nếu các biện pháp trên không giúp giảm đáng kể hàm lượng cholesterol máu, thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc (statin) giảm mỡ máu như: lipitor, mevacor… các thuốc này có tác dụng giảm sản xuất cholesterol ở gan. Ở những bệnh nhân có tăng cao cholesterol máu, kết hợp tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành thì việc dùng loại thuốc này là rất cần thiết để phòng ngừa các biến chứng tim mạch.

Tóm lại, cholesterol rất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên để phòng ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường, mỗi người phải biết kiểm soát hàm lượng cholesterol của cơ thể ở mức an toàn bằng việc điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện rèn sức bền thường xuyên và thay đổi một số hành vi.

Dự phòng và điều trị xơ vữa động mạch não

Xơ vữa động mạch (atherosclerosis) là một loại bệnh có hệ thống gây tổn thương các động mạch lớn và trung bình của cơ thể.

Xơ vữa mạch não do đâu?

Có khá nhiều yếu tố gây bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh van tim, cơ tim, thiếu máu não cục bộ tạm thời, đột quỵ não. Đặc biệt tăng huyết áp và đái tháo đường còn gây đột qụy các ổ khuyết não (các ổ tế bào não bị hủy hoại do thiếu máu nuôi dưỡng) do thoái hóa hyalin ở các mạch máu nhỏ. Nghiện thuốc lá, thuốc lào sẽ làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và đột quỵ não..

Xơ vữa động mạch thường gây hai biến chứng chủ yếu là co thắt mạch và huyết khối động mạch, nhất là động mạch của tim và động mạch não.

Tùy theo vị trí của đoạn động mạch bị xơ vữa mà có những biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Xơ vữa động mạch thường xuất hiện rất sớm, nhưng tiến triển lặng lẽ cho tới khi phát lộ những dấu hiệu đầu tiên của động mạch vành hay động mạch não.

Xơ vữa động mạch não có những triệu chứng gì?

Đau đầu: Đau đầu mang tính chất căng kéo ở vùng thái dương – trán, thường vào buổi sáng với cảm giác chóng mặt, giảm khả năng làm việc, trí nhớ kém.

Ù tai: Trạng thái dễ bị kích thích, rối loạn chức năng hoạt động thần kinh (sắc thái ức chế, rối loạn giấc ngủ…).

Biểu hiện lâm sàng theo giai đoạn

Giai đoạn xơ vữa động mạch não còn bù: Huyết áp tăng nhẹ, cũng có khi huyết áp thấp. Trạng thái thần kinh bắt đầu xuất hiện rải rác: giảm khả năng làm việc, trí nhớ giảm, biến đổi tâm lý nhẹ, các dây thần kinh sọ não bình thường, điện não có tần số không ổn định.

Xơ vữa động mạch não mất bù: Đau đầu như trên, giảm thị trường, rối loạn ý thức dưới dạng sa sút trí tuệ. Liệt nửa người nhẹ, kín đáo, đôi khi rõ với những dấu hiệu tháp, đáy mắt có biểu hiện xơ cứng mạch máu, tăng huyết áp động mạch, ít khi có giảm huyết áp rõ. Điện não tần số dao động với các ổ sóng delta đều đặn hoặc không đều. Lưu huyết não: kéo dài và thay đổi đường kính ở các động mạch lớn và trung bình, có thay đổi thành mạch máu và nhồi máu ở từng nhánh, giảm tưới máu từng ổ.

Ở thời kỳ muộn: Trong giai đoạn này, trên cơ sở của bảng lâm sàng trên với mức độ tiến triển rõ và xấu hơn, nổi bật lên những rối loạn tâm thần: thay đổi tâm lý, trạng thái trầm cảm, dễ bị kích thích, hoảng sợ, trí tuệ sa sút không hồi phục.

Chú ý: Tùy theo từng giai đoạn, cần chẩn đoán phân biệt với: các đột quỵ ở mức độ khác nhau trong tăng huyết áp, huyết khối động mạch não, chảy máu não do vỡ phình mạch, giai đoạn đầu của u não.

Cần có những biện pháp điều trị và dự phòng gì?

Xơ vữa động mạch não sớm hay muộn đều dẫn tới thiểu năng chung của tuần hoàn tim, nhất là ở những bệnh nhân sẵn có những yếu tố thuận lợi như tăng huyết áp động mạch tiến triển. Vì vậy nên sử dụng các thuốc tim mạch, huyết áp. Tùy theo từng trường hợp, có thể sử dụng kết hợp các loại thuốc giãn mạch. Ở giai đoạn xơ vữa động mạch não mất bù, sử dụng strophantinum, sorbitol để điều chỉnh thẩm thấu và thải phù. Trường hợp cần thiết cần kết hợp với thuốc lợi tiểu thải muối. Nếu có tăng huyết áp, cho dùng phối hợp với coversyl captopril. Ở bệnh nhân cao tuổi thường có rối loạn hấp thu cần cho thêm hằng ngày vitamin B1 50mg, vitamin B6 50mg, B12 100g, Rutin C, vitamin E. Để dự phòng ngưng kết tiểu cầu gây huyết khối, cần cho thêm aspirin, dipyridamol ticlid. Đối với rối loạn tâm thần (trầm cảm) cho imipramin, amitriptylin với chỉ định thận trọng và liều thích hợp.

Cho các thuốc tăng chuyển hóa tế bào não: tanakan, duxil, ancalion. Kết hợp điều trị vật lý trị liệu sớm.

Về dự phòng: Trong đời sống hằng ngày, cần chú trọng giữ chế độ ẩm thực hợp lý với mức calo vừa đủ; không ăn hoặc hạn chế dùng các loại thức ăn như thịt mỡ, lòng đỏ trứng, kem, bơ, pho – mát, chocolat, cacao, dầu dừa, dầu lạc; điều hòa hoạt động thể lực vừa sức với độ tuổi và bệnh tật vốn có; tránh các chấn động thần kinh (stress), giữ đời sống tinh thần vui tươi lành mạnh. Bỏ hẳn hút thuốc; điều trị tích cực và kiên nhẫn những bệnh sẵn mắc, nhất là đối với bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, đã bị cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời theo chuyên khoa.

(Theo SK&ĐS)

Dùng thuốc và điều trị nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim (NMCT) là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng cần được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân là do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi cơ tim. Khi cơ tim không được cung cấp đủ máu thì vùng cơ tim đó sẽ bị hoại tử, gây đau thắt ngực dữ dội, gây rối loạn nhịp tim trầm trọng, nếu không cấp cứu kịp đưa đến ngưng tim và người bệnh tử vong.

Triệu chứng biểu hiện

NMCT được xem là biến chứng nguy hiểm sau cùng của bệnh cảnh nói chung gọi là bệnh mạch vành. Giai đoạn đầu của bệnh mạch vành chỉ là động mạch vành đưa máu đến nuôi cơ tim bị hẹp do xơ vữa động mạch, hậu quả là lượng máu cung cấp cho cơ tim bị giảm sút. Khi đó được gọi là suy mạch vành, chỉ là tình trạng thiếu máu cục bộ với triệu chứng thường gặp là đau thắt ngực, thậm chí không có triệu chứng trong nhiều năm (bệnh mạch vành không triệu chứng chỉ được phát hiện nhờ nghiệm pháp gắng sức và theo dõi điện tâm đồ). Và khi động mạch vành bị tắt nghẽn hoặc có khi do động mạch vành bị co thắt quá đáng sẽ đưa đến tình trạng nặng nhất là NMCT.

Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của NMCT là cơn đau thắt ngực với cảm giác đau như bị đè ép ở giữa ngực, cơn đau có thể lan lên vai, cổ, lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái. Có thể kèm theo các triệu chứng như: vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt hoặc khó thở. Nhiều trường hợp NMCT lại biểu hiện như một tình trạng rối loạn tiêu hóa, hoặc chẳng hề có triệu chứng (NMCT im lặng) hoặc hết sức đột ngột, biểu hiện bằng triệu chứng rối loạn nhịp, ngừng tim đột tử. Khi nghi ngờ bị NMCT phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa (không nên cho là bị "trúng gió" chỉ lo cạo gió ở nhà làm mất thời giờ quý báu cho việc cấp cứu). Bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán cần thiết để xác định bệnh và tiến hành việc cấp cứu.

Điều trị NMCT

Mục tiêu cấp thời của việc điều trị là giảm đau thắt ngực bằng morphine hoặc các thuốc chống đau thắt ngực khác (kèm theo cho thở oxy). Do dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc nên nguyên tắc chung của điều trị NMCT là tái lập lại dòng máu chảy, cứu vãn và bảo vệ cơ tim bị thiếu oxy nhưng chưa bị hoại tử, ngăn ngừa sự lan rộng và hạn chế ảnh hưởng đến vùng cơ tim đã bị hoại tử, giúp cơ tim nghỉ ngơi. Các thuốc điều trị nội khoa bệnh mạch vành nói chung từ suy mạch vành loại nhẹ đến tình trạng nghiêm trọng là NMCT nhằm giải quyết các vấn đề sau:

- Loại bỏ cục máu đông nếu có gây tắc nghẽn mạch vành.

- Tái lập dòng máu chảy ở động mạch bị hẹp và phân bố lại máu cho vùng cơ tim bị thiếu oxy.

- Làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim, giúp cơ tim nghỉ ngơi.

- Làm tăng mức cung cấp oxy cho cơ tim.

- Bảo vệ cơ tim khi bị thiếu máu.

Các thuốc chống đông: được dùng với mục đích làm tiêu cục máu đông đã gây huyết khối – nghẽn mạch, gồm có các thuốc chống đông "thực sự" như heparin, enoxaparin có tác dụng cản trở sự hình thành cục máu đông. Còn mcó thuốc làm tiêu huyết khối như streptokinase, urokinase… và thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, ticlopidin.

Thuốc làm tiêu huyết khối: chỉ có lợi thực sự khi được dùng ngay kể từ lúc NMCT khởi phát. Việc loại bỏ cục máu đông bằng thuốc có khi không hiệu quả, phải dùng các biện pháp can thiệp qua da như nong mạch máu bằng bóng hoặc đặt giá đỡ (stent) trong lòng động mạch vành.

Các thuốc giãn mạch vành: gồm các thuốc có tên gọi chung là nitrat (nitroglycerin, isosorbid mononitrat, erythrityl tetranitrat…), có tác dụng làm giãn mạch máu, làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim.

Các thuốc chẹn bêta: gồm propranolol, atenolol, timolol, labetalol, bisoprolol, metoprolol… có tác dụng làm giảm sức co bóp cơ tim, làm giảm tần số và cung lượng tim khi nghỉ lẫn khi có gắng sức, giúp cân bằng giữa cung và cầu về oxy của cơ tim được phục hồi.

Các thuốc ức chế canxi: gồm nifedipin, diltiazem, amlodipin, nicardipin… có tác dụng làm giãn mạch vành, giảm sự co bóp của cơ tim và một số ít thuốc làm chậm nhịp tim, qua đó làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim.

Các thuốc ức chế men chuyển: gồm captopril, enalapril, perindopril, ramipril… Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy ức chế men chuyển có làm giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân bị nghi ngờ NMCT.

Thuốc bảo vệ cơ tim khi bị thiếu máu: trimetazidin. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ điều trị sẽ phối hợp các thuốc để việc điều trị nội khoa có hiệu quả. Nếu việc cấp cứu tốt, sau khi qua khỏi và phục hồi một phần qua giai đoạn cấp, bệnh nhân sẽ có chương trình phục hồi chức năng phù hợp, điều chỉnh lối sống và chế độ dự phòng cũng như điều trị và theo dõi lâu dài.

Phòng ngừa

Câu nói "phòng bệnh hơn chữa bệnh" tuyệt đối đúng với bệnh mạch vành, đặc biệt là NMCT. Để phòng ngừa bệnh lý này, ta nên điều chỉnh lối sống thích hợp làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch nói chung và nguy cơ NMCT nói riêng, bao gồm việc bỏ hoàn toàn hút thuốc lá, ăn ít chất béo, ăn thêm rau quả, giảm cân nặng nếu thừa cân, kiểm soát chặt chẽ huyết áp và đường máu trong giới hạn cho phép. Nhiều thử nghiệm lâm sàng có quy mô rất lớn ở một số nước trên thế giới đã cho thấy, việc dùng các thuốc hạ mỡ máu như nhóm statin (lovastatin, simvastatin, atorvastatin..) có hiệu quả tương đối rõ đối với phòng ngừa xuất hiện các biến cố tim mạch (không những NMCT mà cả tai biến mạch máu não). Ngoài ra, theo dõi sát, phát hiện từ sớm và điều trị triệt để cơn đau thắt ngực cũng hạn chế và phòng ngừa xuất hiện NMCT.

(Theo SK&ĐS)

Đột quỵ nhẹ cũng có thể gây hại

Nếu bạn biết bạn đang có một cơn đột quỵ, bạn nên tìm đến một sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Nhưng nếu triệu chứng của bạn nhẹ hoặc mơ hồ?

Thậm chí người từng trải qua những triệu chứng không rõ của một cơn đột quỵ đang phải chịu hủy hoại thể chất và tâm thần. điều đó làm giảm chất lượng cuộc sống của họ, các nhà nghiên cứu phát hiện.

Thông tin quan trọng là đừng đợi xảy ra điều tệ nhất mới hành động, những triệu chứng không thường xuyên hoặc ngắn, nhẹ của cơn đột quỵ não là đủ để báo động đỏ.

"Tôi đề nghị rằng những người có triệu chứng đột quỵ hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ", George Howard, GS. Thống kê Sinh vật học của đại học Alabama.

Đột quỵ – nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở Mỹ, sau bệnh tim và ung thư – xuất hiện khi mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến não bị chặn bởi một cục máu đông hoặc vỡ, khi điều đó xảy ra, một phần não không thể nhận oxy nó cần và bắt đầu hoại tử, theo hiệp hội tim mạch Hoa Kì.

Đột quỵ cũng có thể gây tàn tật, ảnh hưởng giọng nói, trí nhớ và cử động. Khoảng 4 triệu người Mỹ đang sống dưới ảnh hưởng của đột quỵ, theo Học viện Quốc gia về đột quỵ và rối loạn thần kinh.

Hơn nữa, ước lượng khoảng 10 triệu người Mỹ có đột quỵ mà không hề biết, đó gọi là "đột quỵ im lặng".

Nhưng nếu đột quỵ im lặng không diễn ra im lặng như các chuyên gia nghĩ? Howard và đồng nghiệp đề xuất một vài người bị đột quỵ im lặng thực sự trải qua ảnh hưởng của một cơn đột quỵ, thậm chí các dấu hiệu cảnh báo thoát khỏi các phép chẩn đoán. Ông ấy gọi những loại này là "đột quỵ thì thầm".

"Một cơn đột quỵ im lặng là một quá trình không có một chẩn đoán lâm sàng. Một cơn đột quỵ thì thầm có những triệu chứng không có chẩn đoán lâm sàng", ông giải thích.

Cho tới gần đây, có ít trường hợp được biết về người có triệu chứng khó nhận biết nhưng chưa bao giờ được chẩn đoán bị đột quỵ.

Sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu quốc gia lớn về những người da trắng và da đen trên 45 tuổi, Howard thấy rằng người có triệu chứng đột quỵ, nhưng không được chẩn đoán đột quỵ, khi kiểm tra bằng test này có số điểm thấp về chức năng thể chất và tâm thần. Điểm của họ thấp hơn 5,5 cho chức năng thể chất và 2,7 điểm cho chức năng tâm thần so với những người không có triệu chứng.

(Theo EveryDayHealth)

Điều trị thẩm phân an toàn cho những bệnh nhân bị đau tim

Những phương pháp thẩm phân không ảnh hưởng đến sức khoẻ  tim mạch ở những bệnh nhân mắc bệnh thận bị đau tim, theo một nghiên cứu xuất hiện trên ấn bản tạp chí Clinical Journal của Hiệp hội tiết niệu Mỹ (CJASN). Do những bệnh tim mạch là dạng nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tử vong ở những bệnh nhân mắc bệnh thận, những phát hiện này là tin tốt cho những người cần phương pháp điều trị này.

Thậm chí những người mắc những loại bệnh thận nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim gia tăng. Những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối (ERSD) là những đối tượng dễ gặp nguy hiểm và thường xuất hiện cơn đau tim trong khi đang trải qua việc điều trị cho bệnh thận, chẳng hạn như thẩm phân. Không may là người ta vẫn chưa biết rõ mức độ an toàn của quá trình thẩm phân đối với những bệnh nhân mắc bệnh đau tim. Do quá trình thẩm phẩn có thể có hại cho tim, các bác sĩ thường hoãn việc thẩm phân ở những bệnh nhân gặp phải một cơn đau tim.

Để tìm hiểu vấn đề này, tiến sĩ y khoa Geogre Coritsidis và những đồng nghiệp của ông đã đánh giá những bảng dữ liệu của 131 bệnh nhân ESRD bị đau tim trong khi thẩm phân. Họ đã tìm hiểu liệu thời gian thẩm phân có bất kỳ ảnh hưởng nào đến tình trạng bệnh tim những bệnh nhân bị đau tim. Khoảng một nửa số bệnh nhân được điều trị thẩm phân trong vòng 24 giờ sau khi bị đau tim. Một phần tư tiến hành thẩm phân trong vòng 24-48 giờ sau khi đau tim, và một phần tư thẩm phân sau hơn 48 giờ.

Các nhà nghiên cứu đã không phát hiện ra mối liên hệ nào về thời gian thẩm phân và những triệu chứng về bệnh tim chẳng hạn như đau ngực hoặc phải đưa vào phòng cấp cứu. Một số lượng bệnh nhân tương tự trong mỗi ba nhóm đều biểu hiện những triệu chứng tim mạch. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số dấu hiện báo trước có thể chỉ ra những bệnh nhân thẩm phân có nguy cơ đặc biệt gặp phải cơn đau tim. Những dấu hiệu này bao gồm mức độ trầm trọng của tình trạng bệnh của bệnh nhân, bệnh tim trước đó, mức độ kali huyết cao trước khi thẩm phân, và sự sụt giảm kali huyết nhanh chóng sau khi thẩm phân.

"Có thể khẳng định rằng ngiên cứu của chúng tôi không chỉ ra rằng thời điểm thẩm phân là không ẩn chứa nguy cơ. Những gì có thể có vai trò nguy hiểm đó là mức độ kali huyết, việc điều trị, và mức độ nghiêm trọng khi nhập viện", các tác giả viết. "Được chứng minh rằng là một nghiên cứu hồi cứu nhỏ, chúng tôi không thể đưa ra những khẳng định rõ ràng hơn, tuy nhiên những phát hiện của chúng tôi đề nghị rằng thay vì trì hoãn việc thẩm phân, các bác sĩ nên tập trung vào mức độ và tỷ lệ thay đổi của mức kali huyết", họ bổ sung.

(Theo News-Medical)